Chuyện chiếc zipper và lỗ hổng nhỏ trên bao bì: Tiểu tiết nhưng giúp Vinamit đưa nghìn tấn hoa quả sấy lên kệ siêu thị cao cấp Thái Lan
Thái Lan vốn là xứ sở của trái cây nhiệt đới tương tự Việt Nam, các sản phẩm sấy khô ở đất nước này cũng đa dạng, phong phú và chạm đúng thị hiếu người tiêu dùng bản địa. Tuy vậy, Vinamit vẫn xuất khẩu thành công sang Thái Lan với khối lượng 1.000 tấn/năm.
Suốt 5 ngày từ 16-20/11/2022, Central World – một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới dường như nhộn nhịp và sôi động hơn khi xuất hiện 45 gian hàng trưng bày sản phẩm Việt Nam. Đây là nơi quy tụ của 70 thương hiệu Việt, đi tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022, do Central Retail và Bộ Công thương phối hợp tổ chức.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các thương hiệu Việt còn được gặp gỡ trực tiếp với các nhà thu mua tại Thái Lan qua buổi “Business Matching”, trước để giới thiệu sản phẩm của mình, sau để hiểu hơn về các yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác nước bạn. Trong số 70 thương hiệu đến với Tuần hàng năm nay, có thương hiệu non trẻ mới chỉ tham gia lần đầu tiên, cũng có những thương hiệu đã kinh qua 2-3 lần nhưng điểm chung là hầu hết đều chưa hiện diện tại các chuỗi siêu thị Thái Lan. Vinamit là một trong số ít trường hợp cá biệt, đã có hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang hệ thống phân phối của Central Group tại Thái Lan từ lần tổ chức Tuần hàng đầu tiên (2018). Năm 2022, đại diện Vinamit tiếp tục tham dự tuần hàng, với 5 phiên “Business Matching”, để tìm đường xuất ngoại cho các dòng sản phẩm mới.
Không có quá nhiều lợi thế so sánh ngang bằng, điều gì giúp Vinamit xuất ngoại thành công và có mặt trên kệ hàng của chuỗi Tops Market tại nước láng giềng?
Không thể phủ nhận, Vinamit có lợi thế hơn so với các thương hiệu trẻ khác của Việt Nam khi đã xây dựng được tên tuổi uy tín, lâu đời. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn nằm ở chất lượng.
Để chinh phục Tops Market, điều đầu tiên là chất lượng. Tops Market là siêu thị chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp – đối tượng rất quan tâm đến chất lượng và thương hiệu. Vì thế khi đánh vào phân khúc cao cấp, chúng tôi giới thiệu những dòng sản phẩm 100% từ tự nhiên, không chứa chất hoá học, chất bảo quản hay phẩm màu.
Thứ hai là bao bì phải bắt mắt, đáp ứng được yêu cầu của chuẩn quốc tế về xuất nhập khẩu, có ngôn ngữ tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt. Trong lần đầu tiên tham gia tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, bao bì của nhiều thương hiệu Việt chưa đạt chuẩn, mẫu mã chưa bắt mắt nên cũng khó cho các nhà thu mua”,
Trên thực tế, bao bì cũng là trọng tâm mà đại diện Central Retail nhiều lần nhấn mạnh với các doanh nghiệp Việt khi muốn xuất khẩu sang Thái Lan, bởi người tiêu dùng nơi đây rất quan tâm và bị thu hút bởi những bao bì đẹp, bắt mắt. Tại xử sở chùa Vàng, nhiều thương hiệu đã tăng được giá bán, giá trị cho sản phẩm thông qua việc chú trọng phát triển mẫu mã, bao bì.
Đơn cử, thương hiệu gạo thơm nổi tiếng Thái Lan - Srisang Dao không chỉ đóng gói gạo vào các túi lớn phục vụ nhu cầu nấu ăn thông thường mà còn đóng thành các hộp nhỏ bắt mắt để làm quà tặng. Đặc biệt, những chiếc hộp này được sản xuất từ vỏ trấu - chất thải tự nhiên từ quá trình xay xát. Bao bì được dập nổi hình hạt gạo phía trên nắp hộp, xung quanh là các đường nét đồ họa và logo dập nổi. Bên trong hộp chứa túi gạo vuông vức, có in số lô và các thông tin khác. Những chiếc hộp sau đó có thể được sử dụng làm hộp đựng khăn giấy. Việc này giúp tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm gạo thông thường.
Hay với một quả dừa thông thường, sau khi được lột bỏ toàn bộ vỏ, giữ nguyên vẹn nước và lớp cùi, đựng trong hộp nhựa để thuận tiện cho người tiêu dùng, đã giúp một thương hiệu tăng giá bán cho trái dừa từ 20 - 30 bath lên 55 bath (tương đương tăng thêm 18.000-25.000 đồng/trái).
Ông Paul Lê - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail nhận định, so với lần đầu tiên tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, các doanh nghiệp Việt hiện đã có nhiều thay đổi tích cực, tự tin hơn về sản phẩm và bao bì, có câu chuyện thú vị để kể về thương hiệu của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần tiếp tục làm tốt hơn về thương hiệu, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì chỉ bán sản phẩm thô.
Nói thêm về bao bì, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamit cho biết, chất liệu và chất lượng bao bì cũng phải đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi siêu thị nước bạn.
Ưu thế của Vinamit là chúng tôi thiết kế bao bì đáp ứng được sự tiện lợi cho các chuỗi siêu thị. Ví dụ, tiêu chuẩn bao bì phải có zipper, người tiêu dùng không ăn hết trong một lần có thể đóng lại, lần sau sử dụng tiếp. Thứ hai, trên bao bì phải có một lỗ nhỏ để dễ dàng treo móc, vì các siêu thị thường không chỉ bày sản phẩm lên kệ mà còn treo lên các móc, tiết kiệm diện tích. Những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng với nhà cung cấp, làm sao để thuận tiện cho các siêu thị . Nếu bao bì không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản đó thì rất khó.
Vì thế mà cả khi xuất sang Mỹ, chúng tôi cũng không phải dán thêm tem nhãn tiếng Anh vì bao bì của mình đã đạt chuẩn hết rồi, họ chỉ cần dán thêm tên nhà nhập khẩu, tên công ty là xong. Điều này giúp tiết kiệm cho đối tác nhập khẩu rất nhiều và cũng trở thành ưu thế của Vinamit
“Chúng tôi chỉ làm một chuẩn cho bao bì, cùng một mẫu mã. Chất lượng bán trong nước và nước ngoài cũng chỉ có một chuẩn, không phân chia ra chất lượng bán nội địa và nước ngoài”.
Kết quả là ngay từ lần tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan lần đầu tiên vào 5 năm trước, Vinamit đã có hợp đồng xuất khẩu một container cho mặt hàng trái cây sấy khô và sấy dẻo (mận, mãng cầu, thanh long). Theo số liệu từ 2020, trung bình mỗi năm Vinamit xuất khẩu sang thị trường Thái trên 1.000 tấn trái cây sấy khô các loại. Hiện tại, các dòng sản phẩm truyền thống như khoai lang sấy, khoai môn sấy, chuối sấy, thơm sấy, sữa chua sấy vẫn là sản phẩm chủ lực tạo doanh thu tốt tại Thái Lan.
Trong lần dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022, Vinamit đem theo các sản phẩm hữu cơ mới tốt cho sức khỏe và các sản phẩm plant based như mít non, thịt burger làm từ mít non,...
Hoàng Thuỳ