Chuyện bay

Chia sẻ Facebook
22/03/2024 06:59:37

Hôm nọ tôi có việc bay vào Sài Gòn để nối chuyến đi nước ngoài, vé đã mua xong, yên tâm sắp xếp công việc, và cả đặt khách sạn.

Đùng phát, trước 12 tiếng một tin nhắn bay tới: “Hành khách Văn Công Hùng và khách đi cùng, mã... Pleiku đi Tp.HCM, vì lý do khai thác, VN 6261, 11/3- 8h30 đổi sang VN 7423, 10/3- 21h40”. Đôn lên nguyên một ngày, tôi gọi đùa là... delay ngược. Và cái câu “Vì lý do khai thác” nó trở nên rất thân quen với người hay bay.

Dò hỏi mới biết, cái chuyến tôi mua ấy, tuy là Vietnam Airlines, nhưng do Pacific Airlines khai thác. Pacific là hãng “con” của Vietnam Airlines. Và hôm ấy Pacific không bay nên hãng mẹ phải gánh. Gánh bằng cách điều máy bay của VNa bay trước một ngày, chuyến khuya cuối cùng.

Tất nhiên, như mọi việc khác có quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng ở nước ta, khách hàng bao giờ cũng... im lặng chịu đựng, dù rõ ràng như thế ảnh hưởng rất lớn khách hàng, cả sự chuẩn bị công việc và kinh phí bị tăng.

Sau mới biết, hãng Pacific Airlines đã trả toàn bộ máy bay mình thuê để được xóa nợ, số nợ rất khổng lồ, khách đã mua vé của hãng này thì hãng mẹ là VNa phải gánh.

Ảnh minh họa.

Chưa hết, thời gian gần đây vé máy bay trong nước rất cao, cao tới bất thường, tuy thế, theo báo cáo chính thức, thì các hãng máy bay trong nước vẫn lỗ. Tết vừa qua có gia đình chọn cách đi du lịch nước ngoài vì rẻ hơn trong nước, có người lại chọn cách... bay vòng sẽ rẻ hơn bay thẳng trong nước.

Và dẫu vé rất cao, nhưng một chủ đại lý máy bay lớn cho biết, nhiều chặng hết chỗ trước cả chục ngày. Tức dẫu đắt, nhưng vì không thể không bay, nên nhu cầu mua vé vẫn rất cao. Cũng tức là, không phải do ế mà các hãng rút chuyến.

Lại sau đấy mới biết, các hãng đồng loạt tới kỳ bảo dưỡng máy bay.

Đây lại là chuyện khác.

Dẫu kinh doanh là chuyện của các doanh nghiệp, họ toàn quyền quyết lúc nào bay lúc nào nghỉ bảo dưỡng, nhưng cùng một lúc các hãng đều phải đưa máy bay bảo dưỡng thì lại là chuyện khác, nó liên quan tới quản lý, điều hành.

Có sự quản lý điều hành của từng hãng, và có cả sự điều tiết, quản lý nhà nước của bộ chủ quản.

Nhưng quả là, khi mà các hãng sản xuất máy bay phát hiện lỗi và họ phải triệu hồi để bảo dưỡng thì có mà... trời đỡ.

Một chuyên gia cho biết, người ta phát hiện một lỗi động cơ sao đó, mà các dòng máy bay, nhất là loại Việt Nam hay dùng như A320 và A321, đều dùng loại động cơ này.

Cũng chuyên gia này cho biết, vé tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các hãng phải thuê ướt máy bay của nước ngoài bù cho số phải bảo dưỡng.

Trong khi đó thì các sân bay, nhất là sân bay nhỏ, số lượt chuyến bay rất ít, tức công năng của sân bay không được khai thác hết, có sân bay mỗi ngày chỉ vài ba chuyến đến đi, và họ vẫn phải duy trì hoạt động.

Khi Bamboo Airways cắt chuyến ở sân bay Pleiku, nhân viên hãng này ở Pleiku bèn... thất nghiệp.

Trước đấy ở Pleiku, hãng Bamboo có 5 nhân viên, 1 kỹ thuật và 4 thương mại, giờ giữ lại 1 nhân viên kỹ thuật nhưng chuyển xuống sân bay Cam Ranh làm mỗi tháng... 15 ngày, sa thải 4 nhân viên.

Nhưng nghịch lý nó lại ở chỗ này, ấy là các tỉnh tiếp tục có kế hoạch mở sân bay mới. Đã có sân bay Pleiku nhưng vẫn định mở sân bay ở Măng Đen cách đấy khoảng trăm cây số. Có 10 tỉnh đề nghị được mở sân bay mới gồm Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.

Tôi chỉ là gã nhà thơ ngu ngơ kinh tế, nhưng cũng không hiểu nổi tại sao người ta lại đề xuất nhiều sân bay gần nhau đến thế.

Hà Tĩnh chẳng hạn, liền kề đấy đã có sân bay Vinh và Đồng Hới kẹp cứng. Dọc miền Trung hầu như tỉnh nào cũng đã có sân bay: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn vân vân, giờ mấy tỉnh chưa có sân bay bèn... xin làm, là Hà Tĩnh, Quảng Ngãi.

Tây Nguyên 5 tỉnh đã có 3 tỉnh có sân bay là Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột, giờ trong danh sách “xin” có thêm 2 tỉnh là Kon Tum và Đăk Nông, tức đủ mỗi tỉnh một sân.

Vấn đề là, nếu các sân bay hiện có khai thác hết công năng của nó, thì có thể mở thêm sân bay cho nó... bằng chị bằng em, chứ hiện nay, mỗi sân bay cấp tỉnh một ngày chưa được chục chuyến đến và đi (sân bay Pleiku hiện có 5 đến 5 đi trong ngày, 2 Hà Nội và 3 Tp.HCM), và chỉ bay tới sân bay lớn hai đầu, trong khi nhu cầu bay tới các tỉnh rất lớn, thì chỉ còn cách nối chuyến, hết sức tốn kém và mất thời gian.

Cũng may, thời gian gần đây hệ thống xe khách khá hiện đại và tiện dụng, phục vụ khá tốt. Tuy thế thi thoảng lại thấy có một vụ tai nạn nên dân tình cũng khiếp, nhất là từ khi các “cao tốc 2 làn” đưa vào khai thác.

Tàu hỏa nghe nói cũng có nhiều thay đổi, tuy thế thời gian chạy và phương tiện trung chuyển tới ga cũng khiến nhiều người không hào hứng.

Có lần tôi từ Huế về Pleiku, chọn đi tàu cho nhớ thời sinh viên bao cấp. Tới ga Diêu Trì, không có phương tiện công cộng lên Pleiku, bắt một tắc xi hết 1,6 triệu. Bằng giá vé máy bay Pleiku- Hà Nội thời giá chưa tăng.

Cũng phải nói luôn, so với thời bao cấp thì bây giờ cái sự đi lại nó thuận tiện lắm rồi, hoành tráng lắm rồi. Nhưng chả lẽ chúng ta lại cứ lấy cái thời bao cấp mà so sánh mãi. So với mươi năm trước chả hạn, thì giờ, chuyện bay ấy, vừa đắt và cả thiếu nữa...

Nhưng biết làm sao, đến trái đất còn phải quay huống gì con người cần chuyển động. Và khi nhiều người cần di chuyển, thì nhẽ ra nó phải là cơ hội cho dịch vụ vận chuyển, trong đó có hàng không?

Nghe dân tình đồn, bây giờ đi du lịch nước ngoài rẻ hơn trong nước. Chuyên gia cho biết: Giá vé máy bay thường chiếm khoảng 65 - 70% giá tour du lịch, do đó khi giá vé máy bay biến động, giá tour đã xây dựng trước đó cũng sẽ khó tránh bị ảnh hưởng.

Thì tất nhiên, ảnh hưởng đầu tiên là tới ngành du lịch Việt Nam.

Chia sẻ Facebook