Chuyện Bảng nhãn không phục Trạng nguyên, thi tài khi vinh quy bái tổ

Chia sẻ Facebook
11/05/2023 08:14:25

Không phục Trạng nguyên, trên đường vinh quy bái tổ, Bảng nhãn cho ngựa đi ngang hàng, khiến người dân không biết ai mới là Trạng nguyên.

Trạng nguyên vinh quy. (Tranh dân gian, Public Domain)

Vị Bảng nhãn ấy là Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ông được xem là vị quan tài năng từ thời nhà Mạc cho đến Lê Trung Hưng.

Ngôi đất phát công danh


“Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ có chép về ngôi đất phát đường công danh của Đỗ Uông như sau:

Cụ ngoại của Đỗ Uông là một góa phụ, gia cảnh nghèo khó, phải mở quán nước ven đường để kiếm sống.

Một hôm có một người đến ngồi nghỉ ở quán nước, lúc về thì để quên gói bạc, ít hôm sau quay trở lại tìm thì bà hàng nước mang đủ số bạc trả lại. Người khách muốn đưa bà ít bạc trả ơn, nhưng bà nhất quyết không nhận. Ông ta cảm kích nói rằng gần đó có một cuộc đất phát đến công khanh, muốn để cuộc đất đấy cho bà.


Bà hàng nước bùi ngùi nói rằng: “Thân già này có con cái gì đâu, chỉ còn sót đứa cháu ngoại ba đời, còn mong công khanh gì nữa!”

Người khách kia nói cháu ngoại thì cũng được, có điều phát phúc sẽ không được lâu dài.

Cháu của bà là Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm, sau này đúng là thông minh, đĩnh ngộ, học hành rất giỏi.

Không phục Trạng nguyên

Cùng huyện với Đỗ Uông ở làng Lam Kiều có Phạm Trấn cũng được xem là đứa trẻ có sức học xuất chúng. Từ nhỏ đến lớn Đỗ Uông và Phạm Trấn cùng vượt trội hẳn so với chúng bạn, nên có phần ganh đua nhau học. Theo dân gian thì Đỗ Uông có phần vượt trội hơn.

Đến khoa thi năm 1556, Phạm Trấn đỗ đầu được phong Trạng nguyên, còn Đỗ Uông đỗ thứ nhì tức Bảng nhãn. Phạm Trấn tỏ ý thích thú vì cuối cùng cũng vượt qua Đỗ Uông.

Lúc vinh quy bái tổ, vì hai người cùng huyện nên cùng một đường đi, Đỗ Uông ức lắm, cảm thấy không phục vì rõ ràng tài học của mình cao hơn. Theo lệ thì Trạng Nguyên được đi trước, thế nhưng Bảng nhãn lại cứ cho ngựa đi ngang hàng với Trạng nguyên.

Khi đến làng Hoạch Trạch, dân chúng biết có cả Trạng nguyên lẫn Bảng nhãn vinh quy bái tổ đi ngang qua thì mừng lắm, liền chạy đến xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Đây là một chiếc cầu ngói hơn mười gian.

Sẵn có chuyện ganh đua, hai người bèn thách nhau làm thơ, qua 7 gian phải vịnh xong, ai xong trước sẽ được đi trước. Mới đi được mấy bước thì Phạm Trấn đã đọc luôn 8 câu thơ khiến ai cũng phục tài, nhưng Đỗ Uông không phục cho rằng bài thơ đã được làm từ trước, nên lại vẫn cho ngựa đi ngang hàng với Trạng nguyên.

Hai người cùng ngang hàng đi đến làng Minh Luận. Tại đấy có người mới làm xong nhà nên xin câu thơ mừng nhà mới. Phạm Trấn liền đọc luôn:


Năm năm thêm phú quý,
Ngày ngày hưởng vinh hoa.
Xưa có câu như thế,
Nay mừng mới làm nhà.

Lúc này Đỗ Uông mới cảm thấy Phạm Trấn có tài năng, nhưng trong lòng vẫn chưa phục.


Hai người về đến cầu làng Đoàn Lâm, tên tục gọi là cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng tên Loan. Hai người liền thách nhau cùng làm bài thơ Nôm lấy đề là “Cô Loan bán hàng cầu Cốc” , mỗi câu phải có 2 giống chim, qua cầu phải đọc xong, ai xong trước được đi trước mà không tranh nhau nữa.

Vừa thống nhất xong, ngồi trên lưng ngựa, Phạm Trấn đã đọc ngay rằng:


Quai vạc đôi bên cánh phượng phong,
Dở giang bán chác lựa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới,
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng…
Yến anh đón rước vừa ban tối,
Ông mổ bà, bà lại quạc ông.

Sau khi Phạm Trấn nhiều lần thể hiện tài năng của mình, Đỗ Uông mới hiểu ra, chịu phục và để cho Trạng nguyên được đi trước theo đúng lệ.

Làm quan

Đỗ Uông và Phạm Trấn làm quan từ thời nhà Mạc đến thời Lê Trung Hưng. Đỗ Uông làm đến Thượng thư bộ Hộ, còn Phạm Trấn làm đến Thừa chính sứ thì cáo quan về quê ở ẩn.

Năm 1574 đời Mạc Mậu Hợp, Đỗ Uông từng là vương phó, là thầy của các bậc vương công.


Đến năm 1600 đời vua Lê Kính Tông, trong nước có biến, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cho rằng Đỗ Uông bị loạn quân giết chết, còn “Vũ trung tùy bút” thì cho rằng ông can ngăn chúa, nhưng bị chúa Trịnh cả giận đâm chết.

Sau khi mất, Đỗ Uông được phong làm Thái bảo, được phong Thành Hoàng tại làng Đoàn Lâm quê hương ông. Nơi thờ Đỗ Uông gọi là đình Đông, nay vẫn còn ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (tên mới của làng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook