Chút tìm hiểu thêm về thành ngữ “môn đương hộ đối”

Chia sẻ Facebook
30/05/2023 09:33:38

Người xưa coi trọng hôn nhân phải “môn đương hộ đối”, nam nữ xứng đôi. Ở đây là suy xét về mọi mặt để khiến cho vợ chồng và gia đình hòa hợp chứ không chỉ ở hoàn cảnh của cải hay địa vị. Trong hôn nhân truyền thống thì có hai phương diện quan trọng.


Ngày nay, thành ngữ “môn đương hộ đối” thường được dùng để chỉ việc trong hôn nhân, hai gia đình thông gia có sự ngang bằng về nhà cửa, của cải, và địa vị xã hội. Nhưng kỳ thực trong lý niệm của cổ nhân, thành ngữ này không hoàn toàn có ý nghĩa như vậy.

(Ảnh minh họa: Shin Sang Eun, Shutterstock)


Trong “Thuyết văn giải tự” ghi rằng: “môn” là cửa có hai cánh, “hộ” là cửa một cánh. “Môn”, “hộ” là nói chỗ đi ra đi vào của căn nhà chứ không phải nói về toàn bộ kiến trúc nhà cửa. “Môn đương”“hộ đối” có liên hệ mật thiết với kiến trúc đại môn của người xưa. Thời đó, trước nhà quan thường có những chi tiết điêu khắc đặt ngay lối ra vào, dùng để trấn gia trạch theo phong thủy, trong đó có “môn đương”“hộ đối”. Ngày nay, loại kiến trúc này đã không còn nhiều lắm.


“Môn đương” nguyên là cách gọi của một đôi trống bằng đá được đặt ở trước cổng lớn. Bởi vì tiếng trống vang dội và uy nghiêm như tiếng sấm sét nên được coi là có thể xua đuổi tà ma, ác khí. Không phải nhà ai cũng được phép dùng “môn đương” , phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dùng.


Nhà của quan văn dùng “môn đương” hình tròn, nhà của quan võ dùng “môn đương” hình vuông. Quan tam phẩm thì có hai “môn đương” , chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm có sáu, nhất phẩm có tám. Chỉ duy nhất trong cung vua mới được bày chín “môn đương” . Bởi vậy, chỉ cần đứng từ xa đếm “môn đương” là biết nhà của quan có chức vị ra sao, và căn cứ vào hình dạng của nó thì cũng biết được đó là nhà quan văn hay quan võ.


Còn “hộ đối” chính là đôi điêu khắc bằng gạch hoặc gỗ được đặt ở thanh đà phía trên khung cửa. Phổ biến thường là một đôi hình trụ tròn và ngắn, đặt song song với mặt đất và vuông góc với cửa, ngụ ý khẩn cầu sự hưng vượng cho gia đình.


Chính vì vậy, “môn đương hộ đối” có thể được hiểu là trong hôn nhân thì hai gia đình nên có địa vị và phúc lộc ngang nhau, hoặc nếu có chênh lệch thì cũng không nên kém nhiều.


“Môn”“hộ” cũng được sử dụng trong nhân thể học cổ đại. Theo đó, trên thân thể người, “môn”“hộ” là các huyệt vị mà khí (hiểu là năng lượng) nhập xuất. Loại huyệt vị này phần lớn đều khép mở, lên xuống, nhập xuất có quy luật, có kiểm soát.


Các huyệt vị được đặt tên là “môn” đều là những huyệt vị rất trọng yếu, đóng vai trò trong việc kết nối âm dương. Chẳng hạn ở đầu xương sườn tự do thứ 11 có một huyệt vị gọi là “chương môn” . Con người một khi tức giận, không vui thì sẽ cảm thấy đau đớn ở huyệt “chương môn”.


Một ví dụ khác, trên phế kinh của thân thể người có hai huyệt vị quan trọng là “vân môn”“khí hộ” . “Vân môn” là huyệt thứ hai của phế kinh, nằm ở vùng ngực trước, trong chỗ lõm của hố dưới đòn, phía trong mỏm quạ xương vai. Huyệt “vân môn” chủ quản thông hành kinh khí. Theo y học cổ đại, mát xa huyệt “vân môn” có thể giảm nhiệt trong ngực, giải trừ những phiền não trong lòng, giảm ho khan, thở hổn hển, đau nhức vai và cánh tay… Còn huyệt “khí hộ” được coi là nơi kiểm soát khí cơ. Mát xa huyệt “khí hộ” có thể trị đau ngực, viêm khí quản, khó thở…


Bởi vậy “môn đương hộ đối” ở ý nghĩa sâu hơn chính là sự hài hòa, bình ổn, đối ứng không sai lệch trên phương diện tổng thể.

Một là bởi vì thời cổ đại không có sự tìm hiểu giữa hai bên vợ chồng tương lai từ trước, nên cần dùng nhiều phương diện để xác định sự tương đồng về thế giới quan và giá trị quan của hai bên. Nếu vợ chồng có sự khác biệt lớn về giá trị quan thì hôn nhân dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Hai là hôn nhân thời xưa không chỉ quan tâm đến việc đôi lứa, mà còn là sự kết hợp của hai gia đình, gia tộc. Nếu sự xuất hiện của một người lạ trong gia đình có thể gây ra những điều bất ổn về mặt gia phong, gia giáo, thì người xưa xem là điều đại kỵ.

Trên thực tế, dù là ở thời hiện đại hay cổ đại, nếu khác biệt quá nhiều thì hai vợ chồng rất khó thông qua cuộc sống chung để hòa hợp sự chênh lệch về giá trị quan. Giá trị quan của một người đồng thời lại có quan hệ mật thiết không thể chối cãi với hoàn cảnh xuất sinh, trình độ giáo dục và rất nhiều bối cảnh khác của người ấy từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành.


Bởi vậy người xưa khi sắp xếp việc hôn nhân thì thường coi trọng sự tổng hòa, mà xem trọng nhất là “môn đương hộ đối” về giá trị quan. Có nhiều gia đình ngay từ khi con cái còn nhỏ đã hứa hôn, vì họ xem trọng đạo đức và gia phong của nhau, cảm thấy rằng người con được nuôi dưỡng lớn lên trong gia đình kia tất phải là người có đức hạnh phù hợp.


Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều ví dụ chứng minh điều này. Khi phương diện về bối cảnh gia đình, văn hóa và sự tu dưỡng của hai bên có khác biệt quá lớn thì cho dù cố gắng cũng rất khó để sống hài hòa cùng nhau lâu dài. Hơn nữa nếu giá trị quan không “môn đương hộ đối” thì ở phương diện giao lưu chia sẻ, thông hiểu lẫn nhau hay cách đối nhân xử thế, giáo dục con cái, cũng như thói quen sinh hoạt, thường thường xuất hiện sự khác biệt nghiêm trọng. Đó là lý do người xưa thường chú trọng đến yếu tố “phù hợp” trong hôn nhân.


Quan niệm về hôn nhân ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng cho dù là như vậy, hai bên khi tìm hiểu nhau cũng nên xem xét đến các yếu tố “môn đương hộ đối” để có cuộc sống hôn nhân hòa hợp, bền vững và lâu dài.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Mời xem video

Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài

Chia sẻ Facebook