Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 14:39:52

Ba vị đồ đệ của Đường Tăng có pháp danh theo thứ tự là Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng, Sa Ngộ Tịnh. Trong pháp danh đều có một chữ “Ngộ”.


Tây Du Ký là câu chuyện Thần thoại lấy sự kiện nhà sư Huyền Trang đời Đường đi sang Thiên Trúc cầu được Kinh Phật làm gốc. Người đời coi Tây Du Ký là chuyện Thần thoại mà không biết rằng truyện thực về hành trình Huyền Trang đi lấy kinh được ghi chép trong “Đại Đường Tây Vực ký” cũng không kém phần ly kỳ và tràn đầy những Thần tích. Kỳ thực, Tây Du Ký là một cuốn “Ngộ thư”, là Ngô Thừa Ân sử dụng sức tưởng tượng phong phú và tâm đắc hiểu biết về tu luyện mà hội tụ trong một tác phẩm văn học. Qua các tình tiết ly kỳ, người ta có thể chứng kiến đầy đủ tâm thái của một người tu luyện: ý chí gánh chịu ma nạn, dũng khí chiến thắng gian nan, sự kiên trinh không lay chuyển, cũng như ngộ tính. Những điều này đều đến từ tâm từ bi, từ sự giác ngộ, chứ không phải vì dục vọng và chấp niệm của con người.


Nói ra thì chủ đề của Tây Du Ký rất đơn giản, rất dễ hiểu, dễ nhận biết, đó chính là người ta tu luyện để thành Phật Đà (Giác Giả – tiếng Ấn Độ cổ). Điều này thật ra không có gì mới, trong các tôn giáo quá khứ đều có nói tới, mà ngay trong một số danh tác khác như Truyền thuyết Bát Tiên hay Phong Thần Diễn Nghĩa cũng nói thẳng ra: Người có thể tu luyện để thành Thần tiên. Trong quá trình tu luyện này thì yêu cầu rất nhiều, không thể một hai câu là nói hết, nhưng có thể giải thích ngắn gọn bắt đầu từ pháp danh đặt cho ba vị đồ đệ của Huyền Trang hay Đường Tăng.

(Tranh minh họa: Tsukioka Yoshitoshi, Public Domain)


Làm một người tu luyện thì “Ngộ” là vô cùng quan trọng. Phật gia giảng rằng con người sống trong cõi mê, không thể thấy được các sinh mệnh khác như Thần tiên, ma quỷ, cũng không thể thấy được Phật giới, Thiên đàng, Địa ngục, v.v.. Do vậy con người rất khó tiếp nhận những khái niệm như nhân quả, thiện ác, báo ứng… Khoa học hiện đại cũng biết rằng mắt người chỉ nhìn được trong một dải tần số nhất định, cũng không thể thấy được những thứ ở mức vi quan. Khoa học nghiên cứu đến hạt quark, neutrino, vật chất tối… là hết sức, nhưng nhỏ hơn nữa thì như thế nào? Ở mức hồng quan hơn, vũ trụ to lớn đến đâu, khoa học cũng không thể biết. Ngay trong trái đất này cũng có hằng hà sa số bí ẩn mà khoa học không thể chỉ ra, không thể giải thích. Ngay đến nguồn gốc và sự hình thành tư duy của con người cũng vẫn còn là một ẩn đố. Bởi vậy, Phật gia giảng rằng con người là mê. Quá trình thoát mê, từng bước, từng bước, được gọi là tu luyện, mỗi bước thoát vượt hơn đều nhờ vào “Ngộ”. Người hết mê, đã giải thoát rồi thì được gọi là các bậc Giác Giả.


Con người ta mới đầu nếu hoàn toàn không tin có “Phật, Đạo, Thần” tồn tại, thì rất khó bước vào cửa tu luyện. Sau khi nhập môn, “Ngộ” liền bao hàm càng nhiều nội dung hơn: sự lý giải đối với điều Sư phụ giảng, nhận thức các khó khăn mà bản thân gặp phải, lý giải đối với những ma nạn, v.v.. Chính là đối diện với hết thảy nhưng bản thân lại vẫn bị kìm hãm trong trạng thái “mê” của con người.


Vậy thì “Ngộ” này cũng phân thành các con đường, tiêu chuẩn, tầng thứ khác nhau. Trong Tây Du Ký thì phân ra làm “Ngộ Không”, “Ngộ Tịnh”“Ngộ Năng” , đại biểu là ba đồ đệ có cảnh giới tâm tính khác nhau, cuối cùng cũng quyết định thành tựu khác nhau.


“Không” chính là cảnh giới rất cao của Phật gia, hàm ý là tu bỏ hết thảy dục vọng, hết thảy chấp nhất của con người.

Tôn Ngộ Không bản thân chính là từ trong đá nứt ra. Vì Tôn Ngộ Không không có thân người, mà là tinh hoa do trời đất dưỡng dục, không trải qua đời người nên tâm người thường khá ít, tỏ ra rất linh hoạt kỳ ảo. Khi đến chỗ Bồ Đề tổ sư học Đạo, Tôn Ngộ Không lĩnh hội cũng rất nhanh, học được 72 phép biến hóa, thần thông quảng đại. Đến thiên đình được dung luyện trong lò bát quái của Lão Quân, luyện ra hỏa nhãn kim tinh, hết thảy yêu ma quỷ quái ở trước mặt đều không giấu được, lộ ra nguyên hình.


Trên đường trảm yêu trừ ma bảo hộ Sư phụ đi Tây Thiên lấy Kinh, Tôn Ngộ Không chí hướng kiên định, chưa hề nhúc nhích dao động. Dù cho Sư phụ hiểu lầm trách mắng, Trư Ngộ Năng ghen tỵ xúi giục, thậm chí bị Sư phụ đuổi đi, Tôn Ngộ Không cũng không oán không hối hận. Bởi vì Tôn Ngộ Không hầu như không có danh, lợi, tình, chỉ có một chút tính khỉ, láu táu, kiêu ngạo, nóng nảy, nên tu bỏ đi thì đúng là “hoàn toàn không có tâm người thường” . Đây chính là “Không”. Do đó Tôn Ngộ Không cuối cùng thành tựu là một vị “Phật”“Đấu chiến thắng Phật” .


“Tịnh” ý nghĩa là đạt đến cảnh giới tâm thanh tịnh, có thể vô dục vô cầu.

Sa Ngộ Tịnh phạm luật Trời, bị đày xuống sông Lưu Sa, vì đói mà ăn thịt người, sau khi được Đường Tăng thu làm đồ đệ, ma tính giảm bớt rất nhiều. Đàng hoàng, nhẫn nhục chịu khó, Sa Ngộ Tịnh chính là vì Sư phụ mà dắt ngựa, gánh trách nhiệm. Trên đường kiên định cùng Sư phụ tới Tây Thiên, đôi lúc có thể thiếu một chút chủ kiến, nhưng lại thật sự có thể làm được vô dục vô cầu, không chấp vào được mất. Bởi vì Sa Ngộ Tịnh chỉ ngộ được đến vậy, nên cuối cùng thành tựu Kim thân La Hán, là cảnh giới bên dưới Bồ Tát và Phật.


“Năng” ở đây không phải là siêng năng, mà là “năng” trong tài năng, năng lực. Trong tu luyện thì được gọi là công năng hay thần thông.

Trư Ngộ Năng là đồ đệ có nhân tâm nhiều nhất. Ngộ Năng vốn bởi vì có sắc tâm đối với Hằng Nga mà bị đánh hạ từ Thiên đình xuống đầu thai, lại đầu thai nhầm làm thân heo, nhưng lục căn chưa tịnh, sắc tâm chưa mất, thỉnh thoảng toát ra. Lúc thì Ngộ Năng muốn làm rể ở Cao Lão trang, lúc thì ở Nữ Quốc lại không muốn đi nữa, còn khuyên Sư phụ ở lại. Ngộ Năng bảo hộ Sư phụ đến Tây Thiên lấy Kinh nhưng tâm cũng không kiên định, nhiều lần đề xuất chia đồ giải tán. Ngộ Năng lại còn có tâm tham tiền, tham ăn tham ngủ, tâm đố kỵ với Ngộ Không.


Nhân tâm của Ngộ Năng quá nhiều chưa tu bỏ, nên chỉ có “năng” mà không có “quả”. Năng lực khi tu luyện có thể lớn hơn Sa Ngộ Tịnh, nhưng tâm thì không bằng, cảnh giới cuối cùng lại kém hơn. Năng lực trong quá trình tu chỉ là một loại “phụ phẩm” , không đại biểu cho cảnh giới, cũng không đại biểu cho năng lực thực tế sau khi đã thành tựu. Trư Ngộ Năng đến Tây Thiên chỉ được phong làm Tịnh Đàn Sứ giả, khi đó vẫn chưa ngộ, còn than phiền: “Bọn họ đều thành Phật, làm sao cho tôi làm Tịnh Đàn Sứ giả?” Phật Tổ trả lời, nói họ Trư quá tham ăn.


Như đã nói, Tây Du Ký là một cuốn “ngộ thư” , lại cũng là “hỷ kịch” , mặc dù phải trải qua trắc trở, gian nan nhưng vẫn có một kết cục tràn đầy niềm vui, không phụ lòng người đọc. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, giác ngộ xưa nay không phải là một chuyện dễ dàng. Đời người cuối cùng là cần thức tỉnh và giác ngộ, giấc mộng dẫu đẹp nữa thì cuối cùng vẫn phải tỉnh giấc. Điều này cũng là lựa chọn cuối cùng và con đường duy nhất cho hành trình sinh mệnh của con người. Điểm khác biệt giữa người với người chỉ là sự chấp mê bất ngộ nông hay sâu mà thôi.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thanh Nhạc biên tập

Truyện thật Huyền Trang lấy kinh qua sách cổ


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook