Chút suy ngẫm về một vài tục thờ cúng hiện đại của người Việt

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 15:19:18

Người ta không thờ cúng các vị Thần để cầu xin sự thăng hoa về tinh thần, để cầu xin một nội tâm dũng cảm không sợ hãi trước khó khăn...


Trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt nói riêng cũng như của phương Đông nói chung, việc thờ cúng các vị danh nhân sau khi họ qua đời như thần hoàng làng, thần địa phương là một hiện tượng khá phổ biến. Một số người còn được lập “sinh từ”, vì họ có cống hiến đặc biệt lớn nên ngay khi còn sống đã được người dân thờ phụng.


Người phương Đông có quan niệm rằng nền văn minh của người là do “Thần truyền” , nghĩa là các vị Thần thông qua việc đầu thai mà truyền dạy văn hóa cho con dân dưới hạ giới. Rất nhiều vị vua trong truyền thuyết cũng được cho là đã đắc Đạo, trở về trời. Chính vì thế, những cá nhân kiệt xuất trong lịch sử đều được người phương Đông thờ phụng.

(Ảnh minh họa: Godongphoto, Shutterstock)

Việc thờ phụng trong quá khứ bắt đầu với những điều rất gần gũi với văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính Trời đất, kính ngưỡng Thần linh và sự an bài văn hóa của Thiên thượng.

Khác với một số tôn giáo lớn như Thích giáo vốn bắt nguồn từ Phật Thích Ca Mâu Ni hay Lão giáo vốn bắt nguồn từ Lão Tử. Một số đạo xuất hiện thời hiện đại hoặc cận đại như đạo Mẫu thực chất là một tôn giáo hỗn hợp bắt nguồn từ nhiều niềm tin tín ngưỡng vào các thần linh địa phương khác nhau của các dân tộc và vùng miền khác nhau. Ví như lúc đầu người dân thờ các vị Thần có liên quan tới nguồn gốc của loài người, sự thuận hòa của thời tiết và sự hưng vượng của mùa màng, sau này thì gộp chung lại gọi là thờ Mẫu Tam phủ.


Cùng với sự xuống dốc của đời sống tâm linh và sự lên ngôi của đời sống vật chất, đi kèm với việc trộn lẫn của tín ngưỡng, nhiều tục lệ và hình thức đã xuất hiện bên trong việc thờ cúng này. Bắt đầu từ việc cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, thì người ta bắt đầu truy cầu nhiều thứ hơn, cuối cùng thành ra “sát sinh tế lễ” , thậm chí là “máu me tế lễ” . Chẳng hạn vài năm trước có chuyện treo trâu “tế Mẫu” tại Yên Bái. Trong tiếng hò hét, gào rú đầy bạo lực, người ta treo cổ ngay cả “người bạn” của chính nhà nông để “cầu an, cầu phúc” , để xin Mẫu… phù hộ.


Kỳ thực trong thời kỳ hiện nay, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở đạo cụ thể nào, mà xuất hiện phổ biến ở rất nhiều loại tôn giáo khác nhau, “buôn thần bán thánh” . Người ta không nói đến tu Đạo, cũng không trọng đức, hành thiện. Người ta không đến trước các vị Thần để cầu xin có được sự thăng hoa về tinh thần, để cầu xin một nội tâm dũng cảm không sợ hãi trước khó khăn, để cầu xin sự cứu độ, giải thoát và trở về Thiên thượng. Mục đích khi thờ cúng của người ta chủ yếu là vì mong muốn đạt được những thứ như công danh lợi lộc. Và đặc biệt điều này được thực hiện thông qua việc “hối lộ” thế giới tâm linh chứ không phải bằng sự chăm chỉ cố gắng nơi người thường.

Quá hơn nữa, một số hình thức thờ cúng hiện đại nhấn mạnh vào việc nhập hồn, nhập xác, hát hò cầu khấn để mời gọi các sinh mệnh khác, hoặc yêu cầu các sinh mệnh khác trợ giúp, bằng cách nhập hồn vào thân xác các ông đồng bà đồng, với mục đích để giao tiếp, phán truyền, trừ tà, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho những người chứng kiến nghi thức này. Điều này so với chính giáo độ nhân có thể nói là một trời một vực. Các chính giáo đều nhấn mạnh vào việc tu dưỡng đạo đức bản thân thông qua rất nhiều giáo lý và kinh sách, chứ không bao giờ nhấn mạnh vào nghi thức hình thức tế lễ.


“Nhập hồn”, “nhập xác” là gì? Trong hàng nghìn năm, các chính giáo như Do Thái giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Đạo giáo, v.v., hay thậm chí là truyền thuyết dân gian, hiện tượng nhập hồn nhập xác cũng đều được đề cập đến, nhưng đại đa số hầu hết đều là do các thứ tà ma hay vong linh chưa được siêu thoát gây ra. Có trường hợp nào trong các chính giáo mà Thiên thần hay thần linh nhập vào thân xác để điều khiển người?


Thiết nghĩ người ta dù có tín Thần hay không, đều nên đặt việc tu dưỡng đạo đức bản thân ở vị trí số một, bởi vì trong văn hóa truyền thống của tất cả dân tộc đều nói rõ rằng đó là điều đáng quý nhất cho xã hội nhân loại, và dưới mắt Thần linh thì là điều đáng quý nhất nơi nhân thế. Chúng ta chỉ có thể từ nền tảng Phúc Đức đó mà tạ ơn Trời đất, Thần Phật đã phù hộ và bảo trợ cho người. Nếu như cầu xin những thứ danh lợi mà được, thì chẳng há chính là người đang sai bảo Thần linh sao? Người hiện đại đã chuyển từ tín ngưỡng kính Thần sang “sai bảo thần” mất rồi. Kể cả trong các chính giáo ngày nay, hiện tượng “buôn thần bán thánh” này cũng vô cùng phổ biến.


Từ góc độ văn hóa, có thể nói rằng những phong tục và tín ngưỡng ngày nay đã thể hiện rõ nội tâm của người hiện đại, thể hiện rõ cách người ta nhìn nhận tiêu chuẩn đạo đức và tâm linh. Tinh hoa văn hóa sẽ không nằm ở lớp vỏ lễ hội hay nghi thức thờ cúng mà một số người đang cố gắng làm cho ngày càng “hoành tráng” hơn. Tinh hoa văn hóa của nhân loại chính là truyền thống đạo đức, là sự tu dưỡng tâm tính, là đặt tầm mắt ở những điều vượt trên thế tục.


Quang Minh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook