Chương trình về mai mối của Nhật Bản hé lộ : Người giàu thực sự đều sở hữu 3 phẩm chất mà các ‘cô gái vật chất’ đều không thể ngờ được!
Những người giàu thực sự không cố tình theo đuổi những thứ hào nhoáng, nhưng họ sống rất sang trọng.
Cách đây không lâu, tôi có xem một chương trình truyền hình thực tế của Nhật Bản có tên là "Hôn nhân bạc triệu" (tạm dịch).
Nội dung của chương trình là: năm cô gái "vật chất" sẽ tham gia buổi gặp mặt với khách mời nam giàu có.
Những khách mời nam không phải tất cả đều là người có tiền, trong số họ có người giàu thực sự, nhưng cũng có người chỉ là mạo danh.
Các cô gái sẽ căn cứ vào ngôn từ và hành động của các chàng trai để phán đoán xem ai mới thực sự là người có tiền.
Chỉ cần tìm ra được chàng trai giàu có thực sự và tỏ tình với anh ta, sau chương trình, hai người sẽ có cơ hội thử làm quen và tiếp xúc với nhau ngoài đời.
Chàng trai số 1, nhân viên kế toán thuế, 31 tuổi, thu nhập hàng năm được giữ bí mật, là người đẹp trai nhất nhì.
Chàng trai số 2, chủ một phòng tập, thường đầu tư vào bất động sản, 36 tuổi, thu nhập hàng năm khoảng 10 tỷ đồng.
Chàng trai số 3, CEO của một công ty IT, có thu nhập hàng năm cao nhất, 600 triệu Yên (khoảng 106 tỷ đồng), và trang phục có hơi sặc sỡ.
Ngoài ra còn có chàng trai số 4 và số 5, cũng tự nhận là người điều hành các công ty lớn.
Phần hỏi đáp bắt đầu.
Một cô gái hỏi chàng IT số 3: "Anh thường mua quần áo ở đâu?"
Anh chàng IT trả lời không chút do dự: "ZARA". Mọi người có mặt đều tỏ vẻ không tin.
Xét cho cùng, trong ấn tượng của hầu hết mọi người, người giàu thường mặc quần áo cao cấp và hàng hiệu xa xỉ, làm sao người giàu có thể chọn một nhãn hiệu thời trang bình dân như vậy?
Mặt khác, chàng trai là chủ phòng tập để lộ chiếc đồng hồ cao cấp và tiết lộ anh đang lái chiếc xe Alfa Romeo.
Đến phần tương tác là tiệc BBQ ngoài trời, chàng trai IT đã chủ động mở rượu vang đỏ cho mọi người.
Nhưng cách mở của anh chàng trông khá vụng về, các cô gái có mặt càng thêm nghi hoặc:
"Chẳng phải người giàu thường giỏi nếm và mở rượu sao?"
Chàng trai chủ phòng tập chủ động chia sẻ với các cô gái:
"Vì anh trai sống ở Manhattan nên phải đi máy bay riêng sang đó mỗi tháng một lần.
Khi còn học nghệ thuật ở California, tôi tình cờ biết đến một phương pháp giảm cân phổ biến, sau đó tôi trở về nước để khởi nghiệp và gặt hái được nhiều thành công trong kinh doanh."
Ngược lại, kinh nghiệm khởi nghiệp của chàng trai IT lại đơn giản hơn nhiều.
"Tôi ghét làm việc cho người khác, vì vậy tôi đã bắt đầu kinh doanh riêng sau khi làm việc được nửa năm.
Tôi là một người không thích hợp để làm việc cho người khác, tôi rất khó để tuân theo các quy tắc của họ, ngược lại, tôi thích tạo ra các quy tắc."
Khi được hỏi thường tiêu tiền vào đâu, chàng trai IT đáp: tiêu tiền cho trải nghiệm.
Không phải là không mua được xe hay đồ hiệu, nhưng hạnh phúc do những thứ này mang lại chỉ là ngắn ngủi, trong tích tắc, bạn sẽ lại rơi vào cảm giác trống trải.
Vì vậy, anh thích chi tiền để đi du lịch cùng bạn bè và tạo ra những kỷ niệm đẹp.
Thế nào? Bạn có đoán được không.
Một chàng trai điều hành một cơ sở thể hình đeo đồng hồ hiệu, và từng du học ở nước ngoài thực chất chỉ là một diễn viên phim tuyến 18 chứ không phải là một người giàu có.
Còn anh chàng IT mặc đồ ZARA và không khéo mở rượu đỏ lại là người giàu thực sự.
Chàng trai IT tên thật là Fukuda Takuya, anh đã xuất bản một cuốn sách trên tạp chí và kiếm được 600 triệu yên ở tuổi 31.
Các cô gái bàng hoàng…
Trên thực tế, những người giàu thực sự thường giống như chàng trai IT, họ có 3 đặc điểm sau:
Không mù quáng theo đuổi xa xỉ phẩm
Tôi quen một người chị thông qua một bữa tiệc nọ, mỗi câu nói của chị ấy đều không tách được ra khỏi hàng hiệu.
"Hôm qua, tôi đã mặc một chiếc váy thời trang cao cấp của Dior, chiếc váy mà Angelababy mặc, đẹp ngất ngây luôn."
"Trời ơi, sao cô bé đó vẫn xách chiếc túi LV của mùa trước thế nhỉ? Quê quá!"
"Cá hồi ở đây không tươi chút nào. Đồ ăn Nhật vẫn phải đến Chikuyotei ở Ginza, đó mới gọi là mỹ vị."
Tôi đã nghĩ rằng gia đình chị ấy chắc hẳn phải giàu có lắm, nhưng thực ra không phải:
Năm 16 tuổi chị ấy rời quê lên thành phố làm việc và hiện đang là trợ lý hành chính trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Được vây quanh bởi những đồng nghiệp thường xuyên đi công tác nước ngoài, chị ấy cũng dần dần trở nên phù phiếm.
Túi LV thực sự có mua, nhưng là mua trả góp, cứ có lương là phải trả tiền.
Đồ ăn Nhật thì là xem nhiều về Nhật Bản nên biết, bình thường cũng chỉ hay ăn cơm gà và mì tôm.
Sống trong một căn nhà cho thuê rộng 20 mét vuông ở rìa thành phố, nhưng luôn thích định vị là khách sạn năm sao mỗi khi đăng bài lên trang cá nhân.
Thực ra, những người giàu có thực sự sẽ không cố tình theo đuổi hàng xa xỉ, cũng không cố tình phô trương.
Steve Jobs, mặc một chiếc áo phông, quần jean Levi's và giày thể thao New Balance trong mười năm.
Zuckerberg luôn có những chiếc áo ngắn tay màu xám cổ tròn không thay đổi trong tủ quần áo;
Châu Nhuận Phát đi đôi giày rẻ tiền 15 tệ đạp xe mua rau, quyên góp tài sản ròng 5,6 tỷ đồng của mình;
Vương Lực Hoành, từng tiết lộ trong chương trình rằng anh ấy luôn đi những đôi tất đầy lỗ, có cả bộ quần áo đã được vá trong hơn mười năm...
Một bậc thầy về mỹ học đã từng nói rằng:
"Khi bạn cố ý theo đuổi bất kỳ một nhãn hàng xa xỉ nào, khi bạn cố tình đi theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, bạn đã mất cái chất của chính mình.
"Chất" của bạn là chính bạn, là biết mình muốn gì, biết mình muốn sống một cuộc sống ra sao."
Thích tiêu tiền mua trải nghiệm
Tôi đã từng hỏi bạn bè của mình:
"Năm vừa qua, bạn nghĩ đâu là việc mà bạn thấy đáng nhất khi tiêu tiền vào?"
Có người nói: "Tôi đã tiết kiệm hai tháng chi phí sinh hoạt để đi xem buổi hòa nhạc tháng 3."
Có người nói: "Tôi đã đến Hong Kong Disneyland với bạn trai của mình".
Một người khác nói: "Tôi đã cho mình một kỳ nghỉ 5 ngày 4 đêm tại Tokyo một mình."
Không ai nghĩ rằng đáng nhất khi bỏ tiền ra mua một món đồ nào đó mà đều là mua trải nghiệm.
Có một thuật ngữ trong tâm lý học được gọi là "thích ứng hưởng lạc", có nghĩa là hạnh phúc thì luôn được não bộ thích nghi một cách dễ dàng.
Nhưng vào thời điểm chúng ta có được những gì chúng ta mơ ước, chúng ta bắt đầu ít hạnh phúc hơn.
Và nếu bạn chi tiền cho những trải nghiệm, như mua vé xem hòa nhạc, học tiếng Pháp, đi học nấu ăn, đi nghỉ ở Monaco. . . . . .
Khi đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc lâu dài hơn.
Đúng như nhà tâm lý học Thomas Dashiff Gilovich đã phát hiện ra: "Bất kỳ sản phẩm nào mang lại sự phấn khích đều sẽ trở nên tầm thường sau hai tuần sử dụng. Nhưng trải nghiệm sẽ trở thành một phần và tồn tại mãi mãi trong cuộc sống của chúng ta."
Những người giàu thực sự thường hiểu được chân lý này: tiêu tiền cho những trải nghiệm có thể mang lại sự hài lòng hơn là tiêu tiền vào những thứ khác.
Dành thời gian cho những thứ có giá trị thực
Thời gian của họ được dành cho những thứ thực sự quý giá.
Đây là hành trình của Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt cùng hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới. Ông cũng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016)
1h đi ngủ, 4h30 dậy, 5h30-6h30 xem tin tức;
7h-8h chuẩn bị kỹ nội dung họp online, 8h-9h họp online, 12h-18h hội nghị hàng ngày;
18h-19h chạy bộ...
Bill Gates thức dậy lúc 6 giờ mỗi sáng và có thể đi làm mà không ngủ trong 36 giờ và sau đó ngủ trong 10 tiếng.
CEO Tim Cook của Apple thức dậy lúc 3:45 mỗi sáng, là người đầu tiên đến văn phòng và là người cuối cùng rời đi.
CEO của General Electric, Jeff Immel, làm việc 100 giờ một tuần trong 24 năm liên tục.
Ngược lại, chúng ta đi làm mỗi ngày nhưng lại uể oải như một cái máy, rồi tám chuyện nọ kia suốt giờ làm hay ăn uống;
Đi làm về, lướt điện thoại, xem video ngắn và chơi game, 1h sáng vẫn chưa ngủ, vẫn đang lướt điện thoại…
Tại sao những ông chủ lớn giàu có như vậy nhưng họ vẫn thích dành thời gian cho công việc?
Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là "tâm lưu", nó dùng để chỉ:
Một trạng thái của tâm trí khi mọi người đang đắm chìm vào một thứ mà họ đang làm hiện tại, hoàn toàn say mê, hoàn toàn tập trung và tận hưởng nó.
Khi "tâm lưu" xảy ra, sự cao độ phấn khích và cảm giác thỏa mãn sẽ diễn ra, thời gian cũng sẽ trôi qua rất nhanh.
Một số người sẽ có trải nghiệm "tâm lưu" khi chơi trò chơi, nhưng các lãnh đạo lại cảm nhận được niềm vui khi đọc sách và làm việc.
Họ thích những dự án đầy thử thách, để có được cảm giác hài lòng và thành quả tuyệt vời.
Họ không thích tìm kiếm niềm vui ngắn hạn trong các video ngắn hoặc trò chơi, mà háo hức hơn với những hoạt động như làm việc, đọc sách và rèn luyện sức khỏe.
Người càng giàu, họ càng thích dành thời gian cho những thứ có giá trị thực.
Chương trình tạp kỹ đến từ đất nước mặt trời mọc này khiến chúng ta phải suy ngẫm:
Thay vì mong được gả vào một gia đình giàu có, chi bằng tìm hiểu và học hỏi những phẩm chất đáng quý và tích cực ở những người giàu.
Sống ở đời, không có chiếc bánh nào ngẫu nhiên rơi từ trên trời xuống, và cũng chẳng tồn tại cái gọi là đường tắt, tốt hơn hết là bạn nên dựa vào chính mình để trở thành một vị Vua thực sự.
Alexx
Theo Trí Thức Trẻ