Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ĐBSCL

Chia sẻ Facebook
06/04/2022 10:48:43

Ngày 5-4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức hội thảo "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025".

Chung tay chăm lo cho đồng bào Khmer ở Sóc Trăng có cuộc sống tốt hơn - Ảnh: K.TÂM


Tham dự hội thảo có ông Phạm Bình Minh - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo các địa phương ĐBSCL…

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết ĐBSCL có 4 thành phần dân tộc chính (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm), trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có hơn 1,3 triệu người, chiếm 7,58% dân số toàn vùng.

Những đề án, chương trình về chính sách dân tộc thời gian qua đã tạo động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề với các dân tộc thiểu số trong vùng ĐBSCL: 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; 8,6% trường học, 10,6% lớp học chưa được xây dựng kiên cố; tỉ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ…

Đây là những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ trong chương trình mục tiêu quốc gia tới đây.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, cũng như trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Đây là lần đầu tiên ở nước ta có chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí nguồn lực hơn 137.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn có đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu cần nghiêm túc đánh giá công việc đã làm được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đề ra định hướng, giải pháp, bảo đảm đúng nội dung, đối tượng, tiến độ… của kế hoạch năm 2022 và trong mục tiêu kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Đồng thời yêu cầu các bộ, ban, ngành trung ương phải hết sức quyết liệt, khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình; bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.

Sau 10 năm thành lập Giải thưởng Vừ A Dính, đã có 71 tập thể và 127 cá nhân thuộc 36 dân tộc được nhận giải thưởng, ghi nhận đóng góp, tâm huyết và thành tích nổi bật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ Facebook