Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu: Rút ngắn bằng thương mại điện tử

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 21:56:27

Chìa khóa rút ngắn chuỗi cung ứng là thương mại điện tử đang trở nên phổ biến và là một xu hướng của tương lai.


Chiến tranh, dịch bệnh đang làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Chính vì thế, giải quyết được bài toán chuỗi cung ứng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động chung của các doanh nghiệp cũng như mang lại lợi ích cho kinh tế và xã hội của một quốc gia.

Để giải quyết bài toán chuỗi cung ứng, tăng cường cơ hội giao thương và xuất khẩu, thương mại điện tử là chìa khóa mà nhiều doanh nghiệp tìm kiếm.


Doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Doanh nghiệp Việt cũng phải gặp rủi ro giống như các doanh nghiệp khác trên khắp thế giới


Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt cũng phải gặp rủi ro giống như các doanh nghiệp khác trên khắp thế giới. Gần đây, rủi ro đó đến từ đại dịch Covid-19, chiến sự Nga-Ukraine và sự thay đổi chính sách của các cường quốc cũng như đổ vỡ các thiết chế duy trì trật tự toàn cầu.

Những rủi ro đó làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chính vì thế các doanh nghiệp khắp thế giới đều tìm cách rút ngắn chuỗi cung ứng, loại bỏ bớt khâu trung gian, hay nói cách khác là tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Ví dụ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rút ngắn chuỗi cung ứng bằng cách tìm nguồn cung từ chính các nước sở tại.

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết khi được hỏi về nhu cầu thu mua nguyên vật liệu và linh kiện, 86% các doanh nghiệp Nhật Bản đã trả lời rằng có dự định mở rộng nội địa hóa việc thu mua. Trong đó 88% trả lời sẽ thu mua từ các nước sở tại.

Để nắm bắt được các cơ hội đó, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt phải thể hiện được năng lực, đáp ứng được nhu cầu cũng như tìm được đúng các doanh nghiệp phù hợp. Cách nhanh nhất để làm được điều đó là thông qua thương mại điện tử.

Nó là chìa khóa giúp tăng cường hỗ trợ các cơ hội giao thương, thiết lập chuỗi cung ứng hàng nội địa, kết nối các cơ hội xuất khẩu một cách bền vững.


Chìa khóa rút ngắn chuỗi cung ứng

Thương mại điện tử họ có thể hợp tác với các doanh nghiệp ở bất cứ đâu


Tìm khách hàng, rút ngắn các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hay kết nối các doanh nghiệp với nhau đều có thể dễ dàng thực hiện thông qua thương mại điện tử.

Điều này cũng giúp người sản xuất và người tiêu dùng được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn và không bị hạn chế về mặt địa lý. Không những thế thương mại điện tử cũng mang lại lợi ích và tác động tích cực ở góc độ môi trường khi giảm các khâu trung gian.

Trước đây, các nhà bán lẻ thường dựa vào các triển lãm thương mại để kết nối với các nhà bán buôn, người mua hàng phải đến chợ, siêu thị để tìm hàng hóa mình cần. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các sàn thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ. Người mua có thể kết nối với nhà cung cấp trong vài phút và nhận được sản phẩm nhanh chóng sau khi đặt hàng kể cả trong nước hay quốc tế.

Các doanh nghiệp cũng vậy, nhờ thương mại điện tử họ có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác ở bất cứ đâu thông qua những sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon hay Alibaba, v.v.. Nhờ các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp ngày càng tìm được nhiều cơ hội giao thương, xuất khẩu.

Theo Bộ Công thương, năm 2021 có 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Chỉ riêng số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam, hiện nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng qua kênh thương mại điện tử.

Thương mại điện tử đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến, dần thay thế các phương thức thương mại truyền thống.

Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử giúp người nông dân có điều kiện để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và giúp người tiêu dùng không bị hạn chế khi tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm cũng như giúp giảm tối đa các khâu trung gian, để đưa sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Cách rút ngắn chuỗi cung ứng nhờ thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam đang được chính quyền hỗ trợ mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành như mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản an toàn ở Hà Nội, hay mô hình bán sản phẩm nho, kết hợp với du lịch nông thôn ở Ninh Thuận, các gian hàng bán vải thiều của tỉnh Bắc Giang, mô hình cung cấp thực phẩm cho các trường tiểu học, khu công công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, v.v..

Bên cạnh nông nghiệp, các lĩnh vực khác cũng vậy, các doanh nghiệp tìm mọi cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng để tồn tại và vượt lên đối thủ.

Như Nike, một nhà sản xuất quần áo thể thao cũng vậy. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, họ tìm cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng công nghệ. Họ sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID để theo dõi các sản phẩm thuê ngoài. Nike cũng sử dụng công nghệ để phân tích và dự đoán nhu cầu để giảm thiểu tác động của việc đóng cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Quan trọng hơn hết, họ đẩy mạnh sử dụng thương mại điện tử, các kênh bán hàng kỹ thuật số để quảng cáo và bán sản phẩm để giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho trên toàn mạng lưới của mình.

Kết quả là Nike có thể hạn chế mức sụt giảm doanh số bán hàng trong khu vực xuống chỉ còn 5% trong khi các đối thủ cạnh tranh lớn bị sụt giảm doanh số đáng kể hơn nhiều.

Thương mại điện tử và công nghệ đã giúp Nike rút ngắn chuỗi cung ứng để giảm rủi ro đến mức thấp nhất.

Chia sẻ Facebook