'Chúng ta cấp cho Ukraine 1 tỉ euro và 1 tỉ euro cũng là số tiền châu Âu trả cho ông Putin mỗi ngày'
"Chúng ta đã cấp cho Ukraine khoảng 1 tỉ euro, và 1 tỉ euro cũng là số tiền châu Âu trả cho Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi ngày vì nguồn năng lượng nước ông ấy cung cấp" - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell nói.
Các đợt trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang chậm dần lại vì những cân nhắc, suy tính thiệt hơn. Phương Tây vẫn chưa thể chặn đứng dòng tiền Nga thu được từ xuất khẩu năng lượng bởi vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung này.
Các nước châu Âu, nơi có thể cảm nhận "sức nóng" từ chiến sự Ukraine lớn hơn nhiều so với Mỹ, rất muốn cuộc chiến này kết thúc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của "lục địa già" vào năng lượng Nga khiến họ khó lòng thực thi những đòn trừng phạt quyết liệt nhất như mong muốn.
Thế khó của châu Âu
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào ngày 6-4, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell thừa nhận kết thúc sớm chiến sự ở Ukraine không có nghĩa phải làm mọi cách cho mục đích đó. Ông Borrell, quan chức cấp cao nhất của EC phụ trách đối ngoại và an ninh, cho rằng các nước nên tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine vì đây là điều Kiev đang cần. Tuy nhiên chính ông cũng thừa nhận việc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào năng lượng Nga đang khiến EU cảm thấy khó xử với Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt do EU đề xuất ngày 5-4 bao gồm cấm mua than đá của Nga và ngăn các tàu Nga vào cảng EU. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào ngày 6-4, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga có thể xảy ra nhằm tăng sức ép lên Matxcơva.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng ám chỉ việc EU cấm cả dầu thô và khí đốt Nga chỉ là chuyện sớm muộn.
Cần lưu ý là để thực thi những biện pháp này cần có sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên EU vốn có mức độ phụ thuộc khác nhau vào năng lượng Nga.
Theo Hãng tin Reuters, đợt trừng phạt thứ 5 của EU còn bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng trị giá khoảng 5,5 tỉ euro từ Nga, cấm xuất khẩu công nghệ và thiết bị tiên tiến như máy tính lượng tử và chất bán dẫn sang Nga.
"Động lực Bucha"?
Người châu Âu hiểu rõ việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga sẽ ngăn được dòng tiền mà họ tin rằng đang nuôi "cỗ máy chiến tranh" ở Ukraine.
Nhưng họ cũng hiểu rõ nhất cái giá của việc không có dầu thô và khí đốt từ Nga, nhất là khi giá nhiên liệu tăng cao đang đe dọa đà hồi phục kinh tế và khiến lạm phát thêm trầm trọng.
Tuy nhiên, có vẻ như EU đã có một động lực để cân nhắc thêm trong quyết định đó. Vụ hàng trăm người bị sát hại ở Bucha (Ukraine) đã hâm nóng trở lại các tranh luận về điều mà EU nên làm lúc này.
Matxcơva bác bỏ mọi cáo buộc về vụ việc ở Bucha, cho rằng đây là màn kịch của Ukraine và phương Tây. Câu hỏi lúc này là liệu "động lực Bucha" lớn đến đâu và liệu sẽ đẩy EU đi bao xa trong cuộc đối đầu với Nga. Thêm nữa, hiện chưa có cuộc điều tra quốc tế nào về vụ việc.
Có một điều rõ ràng là sau các biện pháp trừng phạt tài chính (mà trong đó phương Tây vẫn chừa ra một số ngân hàng để mua năng lượng từ Nga), Mỹ và đồng minh không còn nhiều lựa chọn.
Những lệnh trừng phạt Nga vừa qua thuộc dạng cứng rắn chưa từng có kể từ khi Liên Xô (cũ) tan rã, nhưng hiệu quả phải chờ thêm thời gian để đánh giá. Nếu muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục vận động sự ủng hộ của các nhà lập pháp bằng các thông điệp ghi hình.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Ireland vào ngày 6-4, ông tuyên bố sẽ "không dung thứ cho bất kỳ sự thiếu quyết đoán nào (của châu Âu) sau những gì Nga đã làm (ở Bucha)" và kêu gọi Ireland thuyết phục các nước EU cứng rắn hơn nữa.
Trong lúc các nước Liên minh châu Âu (EU) muốn cùng phản đối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp hoặc chuyển sang nguồn cung mới, Hungary bất ngờ nói sẵn sàng thanh toán bằng đồng rúp.