Chứng khoán Việt Nam thường diễn biến ra sao trong tháng 11?
Đáng lưu ý là trong 5 năm gần nhất thì có tới 4 năm VN-Index tăng trong tháng 11, mức tăng mạnh nhất vào năm 2017 với 13,45%.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 10 không mấy khả quan, VN-Index giảm hơn 104 điểm qua đó lùi sát về dưới ngưỡng 1.030. Không ít lần trong tháng chỉ số chính của TTCK Việt Nam nhúng về vùng điểm ba chữ số song lực cầu bắt đáy được kích hoạt tại vùng giá thấp giúp kéo chỉ số lên trên ngưỡng 1.000. Dòng tiền vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng quay trở lại mạnh mẽ trong bối cảnh biến số vĩ mô còn biến động, đặc biệt là khi FED đang nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Hướng tới những phiên giao dịch tháng 11, thông tin nhà đầu tư có thể tham khảo là dữ liệu quá khứ về VN-Index trong tháng 11 của những năm trước. Cụ thể, theo thống kê trong 22 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 10 lần tăng điểm vào tháng 10 còn số lần giảm là 12. Những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh với nhiều năm giảm trên 5% như 2007; 2008; 2009; 2011; 2014 và 2015, thậm chí vào năm 2009, mức giảm của VN-Index trong tháng 11 còn lên tới hơn 14%.
Ở chiều ngược lại, những tháng 11 tăng điểm tốt cũng không phải hiếm với mức tăng mạnh nhất ghi nhận được vào năm 2006 (23,75%). Đáng lưu ý là trong 5 năm gần nhất thì có tới 4 năm chỉ số chính của TTCK Việt Nam tăng trong tháng 11, mức tăng mạnh nhất là năm 2017 với 13,45%.
Việc TTCK Việt Nam thường biến động xấu vào tháng 11 có thể bởi đây là giai đoạn thị trường rơi vào vùng trống thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội diễn với nhiều quyết sách quan trọng cũng diễn ra trong khoảng thời gian này có thể khiến tâm lý giới đầu tư thêm phần thận trọng. Bên cạnh đó, trong quá khứ, tháng 11 cũng là thời điểm khối ngoại thường tiến hành bán ròng cũng là yếu tố khiến thị trường thêm phần ảm đạm. Như trong năm 2021 liền trước, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 58.000 tỷ đồng trong tháng 11 trên toàn thị trường và là mức cao nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, năm nay, những biến động từ bên ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các quyết sách quan trọng về vĩ mô trong thời gian tới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lãi suất, tín dụng,... Lạm phát leo thang khiến Fed và các Ngân hàng Trung ương thế giới liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau 5 lần, các nhà phân tích cho rằng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 1-2/11 của FED. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế dự báo FED sẽ tăng lãi suất một lần nữa thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 sau đó, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Thực tế là NHNN cũng đã 2 lần tăng lãi suất điều hành trong thời gian gần đây. Bối cảnh lãi suất tăng sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tương lai bị bào mòn đáng kể bởi chi phí lãi vay tăng cao, đặc biệt với nhóm có nợ ròng (nợ vay – tiền gửi) lớn. Đã có những yếu tố cho thấy tăng trưởng EPS trong năm tới sẽ khó có thể duy trì trên nhiều nhóm ngành.
Sau nhịp giảm 33% từ đỉnh, định giá thị trường đã lùi về ngang với vùng đáy lịch sử với P/E trailing của VN-Index chỉ ở mức 10,5x. Song, trong bối cảnh EPS có khả năng giảm, định giá thị trường sẽ trở nên đắt đỏ hơn và P/E 10,x ở thời điểm hiện tại không còn quá hấp dẫn. Động lực tăng trưởng của thị trường sẽ chỉ thực sự rõ ràng hơn khi tình hình thị trường trái phiếu dần ổn định và dòng tiền quay trở lại.
Nếu nhìn theo hướng tích cực, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều điều để kỳ vọng trong giai đoạn cuối năm 2022. Nền kinh tế vĩ mô ổn định và phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch của Việt Nam vẫn đang mở ra triển vọng tăng trưởng cho thị trường tài chính nói chung và kênh đầu tư chứng khoán nói riêng. Cộng thêm mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm trước giúp mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm nay được điểm tô nhiều gam màu sáng. Thống kê 15 doanh nghiệp vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất có 7 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng trên 1.000%, số còn lại cũng ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số.
Trên thực tế, rất khó để dự báo thị trường tăng hay giảm trong tương lai. Như hiện tại, chứng khoán Việt Nam đã và đang trải qua hàng loạt sóng gió năm 2022 dù cho nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường có thể giảm thêm, nhiều chuyên gia và quỹ đầu tư lớn đều cho rằng, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu chất lượng bị định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai thay vì cuốn vào những câu chuyện “trading” ngắn hạn.
Trong chia sẻ gần đây, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund cho biết đã rất bối rối và ngạc nhiên trước tình hình hoạt động yếu kém của thị trường Việt Nam cũng như hoạt động quỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu quỹ Pyn Elite vẫn duy trì quan điểm lạc quan khi cho biết chưa tìm thấy báo cáo của nhà kinh tế vĩ mô nào đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ yếu kém trong thập kỷ này. Dù nhịp điều chỉnh mạnh đang gây sốc cho nhà đầu tư, song việc phân biệt điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam phải được xem xét một cách nghiêm túc để có được cái nhìn sâu sắc về những gì có thể xảy ra trong 12 tháng tới.
"Bước ngoặt quan trọng có thể xuất hiện khi FED chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất lớn nhất đang ở phía sau. Điều này sẽ tạo ra một chuyển động ngược lại đối với đồng USD được định giá quá cao, các đồng tiền châu Á sẽ mạnh lên và loại bỏ áp lực tăng lãi suất từ các quốc gia. Sự biến mất của kỳ vọng tăng lãi suất tiếp theo có thể kích hoạt sự đảo chiều với đồng USD",
Ông Petri định giá cổ phiếu đang rất rẻ và các mức hợp lý của chỉ số trong vài năm tới đều cao hơn so với mức thị trường bước vào năm nay.