Chứng khoán về đáy 1 năm, nhiều lãnh đạo xuống tiền “đỡ giá”
Thành quả 14 tháng leo dốc của VN-Index đã sụp đổ khi trở lại vùng đáy 24/03/2021 chỉ trong vòng hơn 6 tuần. Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu rơi vào đà lao dốc không thể cản, nhiều lãnh đạo có động thái mua vào để “đỡ giá”.
Chứng khoán về đáy 1 năm, nhiều lãnh đạo xuống tiền “đỡ giá”
VN-Index đã trải qua những ngày tháng “điên rồ”.
Tính từ đáy 1,161.81 điểm ngày 24/03/2021, VN-Index lầm lũi leo dốc, có lúc nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới như thời điểm 21/05/2021 (1,283.93 điểm, tăng 16.31% kể từ đầu năm). Phiên ngày 25/11/2021, VN-Index thậm chí đã làm nên kỷ lục lịch sử khi vượt qua cột mốc 1,500 điểm.
Nhưng kể từ đầu năm 2022, những sự kiện tiêu cực như vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết , Đỗ Thành Nhân , rồi bối cảnh lạm phát tăng cao – hệ quả của xung đột vũ trang Nga-Ukraine – buộc Fed nâng lãi suất kỷ lục đã khiến thị trường chịu ảnh hưởng rất mạnh. Một cách điên rồ, VN-Index từ đỉnh 1,524.70 điểm hôm 04/04 đã “cắm đầu”, rớt thẳng về mức thấp nhất trong 1 năm tại phiên 13/05. Phiên ngày 23/06, thị trường ghi nhận 1,174.25 điểm, giảm 23% so với thời điểm đầu tháng 04/2022.
Tóm lại, thành quả leo dốc 14 tháng kỷ lục của VN-Index đã bị kéo sập chỉ trong 6 tuần. Giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều mã về lại vùng giá thấp, có mã rớt đến 70% giá trị. Theo thống kê từ VietstockFinance , có khoảng hơn 500 cổ phiếu (trên cả 3 sàn HOSE , HNX và UPCoM) thậm chí giảm thấp hơn mức ghi nhận ở vùng đáy tháng 03/2021.
Trước tình cảnh ấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã buộc phải ra tay, chi tiền tỷ mua cổ phiếu để “đỡ giá”.
Đơn cử như mã DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Nếu tính từ tháng 03/2022, mã này giảm 3 lần khi từ mức 100,000 đồng/cp, xuống quanh vùng 30,000 đồng/cp. Thậm chí trong 5 phiên liên tiếp từ 15-21/06, giá DIG liên tục rơi vào trạng thái “lau sàn”, rớt từ 41,950 đồng/cp xuống còn 31,500 đồng/cp và buộc Công ty phải có văn bản giải trình theo quy định của UBCKNN.
Giá cổ phiếu DIG rơi vào đà lao dốc không thể cản kể từ tháng 03/2022 | ||
Để dỡ bỏ phần nào áp lực trên thị trường, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch HĐQT DIG đã đăng ký mua 10 triệu cp để nâng tỷ lệ sở hữu, dự kiến giao dịch từ 30/06-29/07 và số tiền cần bỏ ra là 337 tỷ đồng. Giao dịch nếu thành công sẽ giúp ông Cường nâng tỷ lệ sở hữu từ 10.28% lên 12.28%.
Tương tự, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn GELEX ( HOSE : GEX ) từ đỉnh 49,400 đồng/cp ghi nhận ngày 11/01 đã lao dốc mạnh, giảm hơn 64% tính đến phiên ngày 22/06. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo GEX và những người liên quan tích cực gia tăng tỷ lệ sở hữu nhằm “đỡ giá” cho mã này.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc GEX từ ngày 04-25/05 đã đăng ký và mua vào 10 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu từ 22.58% (192.3 triệu cp) lên 23.75% (202.3 triệu cp).
Giá GEX đã giảm tới 64% so với thời điểm đầu năm 2022 tính đến kết phiên ngày 22/06 | ||
Gần nhất vào ngày 22/06, Chứng khoán VIX ( HOSE : VIX ) – nơi ông Tuấn đang là cổ đông lớn nắm giữ 14.84% vốn điều lệ - đã đăng ký mua 15 triệu cp GEX với số tiền chi ra ước tính khoảng 266 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 24/06-22/07, nếu thành công sẽ giúp VIX nâng sở hữu từ 0 lên 1.76% cổ phần Công ty.
Hay bà Nguyễn Bích Hà, con gái ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT GEX , cũng đã đăng ký mua 850,000 cp GEX với mục đích đầu tư tài chính. Thời gian dự kiến giao dịch từ 23/06-22/07, nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại GEX của bà Hà từ 0.024% lên 0.124%, tương ứng 1.05 triệu cp.
Tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ( HOSE : HBC ), Chủ tịch Lê Viết Hải đã đăng ký mua 10 triệu cp dự tính diễn ra từ 23/06-22/07, trong bối cảnh giá HBC giảm 46% so với thời điểm đầu năm và giảm liên tiếp nhiều phiên từ 10/06-20/06 (29%, từ 21,800 đồng/cp rớt về 15,450 đồng/cp). Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Hải sẽ được nâng từ 15.84% (38.9 triệu cp) lên 19.91% (48.9 triệu cp), với số tiền ước tính cần chi là 163 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu HBC từ đầu năm 2022 | ||
Tại CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu ( HOSE : HDC ), việc thị giá giảm tới 38% sau 8 phiên (trong đó có 5 phiên “lau sàn” liên tiếp từ 15-21/06) đã buộc ông Nguyễn Tuấn Anh – Thành viên HĐQT độc lập – và CTCP Đầu tư Thiên Anh Minh – nơi ông Tuấn Anh là Chủ tịch HĐQT – phải đăng ký bán giải chấp tổng cộng gần 400,000 cp. Cùng với đó, HĐQT HDC cũng thông qua việc mua cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa 3 triệu đơn vị để bình ổn giá. Dự kiến mức giá theo thị trường nhưng không vượt quá 40,000 đồng/cp, và thời gian thực hiện trong quý 3/2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Mã HDC cũng đã lao dốc mạnh kể từ đầu tháng 05/2022 | ||
Hồng Đức