Chứng khoán vẫn 'đỏ lửa', hơn 160 cổ phiếu bị giảm sàn
Chỉ trong phiên giao dịch hôm nay 19-4, toàn thị trường chứng khoán đã có tới 162 mã bị rớt xuống giá sàn. Trong vòng 11 phiên trở lại đây, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 118 điểm. Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu cũng bị sụt giảm.
"Thị trường hồi rồi, mà là hồi sức cấp cứu ấy", một nhà đầu tư chia sẻ khi chứng kiến thị trường chứng khoán trải qua 4 phiên lao dốc liên tiếp. Mặc dù buổi sáng nay 19-4 chỉ số VN-Index tăng nhẹ, nhưng đến phiên lại đảo chiều, giảm mạnh.
Với diễn biến trên, tài khoản của nhiều nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục bị âm, chưa thể "về bờ".
Hàng loạt mã cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư bán ra, kéo chỉ số VN-Index đi xuống, điển hình gồm: MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MWG (Thế giới di động), FPT (FPT), VHM (Vinhomes)...
Song song đó, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng cũng bị rớt giá, như: TCB (Techcombank), SHB (SHB), MBB (MBBank), VPB (VPbank)...
Dù phiên sáng có diễn biến tương đối khả quan, nhưng sang phiên chiều cổ phiếu "họ FLC" lại bị lâm vào cảnh đồng loạt rớt xuống giá sàn, giảm dao động từ 68-72% so với hồi đầu năm. Trong đó có các mã FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), ART (Chứng khoán BOS) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS).
Giữa bối cảnh thị trường lao dốc, nhà đầu tư vẫn lội ngược dòng, đổ tiền vào mua cổ phiếu của HPG (Tập đoàn Hòa Phát), DGC (Hóa chất Đức Giang), DPM (Đạm Phú Mỹ), DCM (Đạm Cà Mau), VJC (Vietjet Air), GMD ( Gemadep), FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT)...
Về chỉ số giao dịch của cổ phiếu xếp theo lĩnh vực kinh doanh, hôm nay nhóm hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, bất động sản, tài chính, công nghiệp... bị giảm mạnh.
Dù xuất hiện dòng tiền mua vào, nhưng cung vẫn áp đảo so với cầu. Khép lại phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức giảm thêm 26,15 điểm (-1,83%), lùi về mốc 1.406,45 điểm. Đây cũng là mốc thấp nhất kể từ ngày 26-10-2021.
Như vậy, chỉ số này đã giảm liên tiếp bốn phiên, đồng thời hơn 118 điểm trong vòng 11 phiên trở lại đây.
Trong lúc đó, cả sàn HNX và UPCoM cũng chịu chung cảnh dầu sôi lửa bỏng, khi bị giảm 10,43 điểm (-2,59%) xuống 392,69 điểm và 1,89 điểm (-1,71%) xuống 108,32 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 26.300 tỉ đồng, giảm hơn 21% so với phiên hôm qua.
Điểm sáng trong phiên là nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 270 tỉ đồng.
"Tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm lên thị trường chung", bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt nhận định, sau khi thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh trong thời gian qua.
Giữa lúc thị trường biến động, phía công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.
"Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do đáy của thị trường vẫn chưa được xác nhận", bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho hay.
Trong kịch bản thận trọng, Bộ phận phân tích của Chứng khoán MB cho ràng ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường có thể ở mức 1.400 điểm.
Các chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn. Dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tạm thời dừng bán ở giai đoạn này và chỉ nên ưu tiên hạ margin (vay ký quỹ) về mức thấp tại các nhịp hồi. Đồng thời, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỉ trọng thấp ở các cổ phiếu đạt điểm mua hoặc các nhóm cổ phiếu có xếp hạng tăng trưởng cao", phía Yuanta cho hay.
Chỉ trong vòng một tuần nay, nhà đầu tư chứng khoán đã phải hứng chịu hàng loạt tin đồn thất thiệt, tâm lý lo sợ bao trùm, phản ứng bằng việc đồng loạt lệnh bán khiến giá cổ phiếu bị lao dốc mạnh.