Chứng khoán toàn cầu vẫn chưa chạm đáy?
Các thị trường chứng khoán trên thế giới có thể tiếp tục bị bán tháo trong mùa hè này, giữa lúc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh việc nâng lãi suất để chống lại vòng xoáy lạm phát, theo lời của một chuyên gia kinh tế.
Chứng khoán toàn cầu vẫn chưa chạm đáy?
Ông Brunello Rosa, CEO kiêm Giám đốc nghiên cứu của Rosa & Roubini, tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn, và sẽ có thêm một vài thông tin tiêu cực từ hoạt động kinh tế.
“Giờ là lúc xem xét lại các yếu tố nền tảng của nền kinh tế ở khắp thế giới về phương diện tăng trưởng”, ông Rosa nói. “Thật khó để lạc quan khi mà lạm phát leo thang, tăng trưởng đi xuống, và lãi suất đi lên trên toàn cầu”.
Hôm thứ Năm (05/05), với chỉ số Dow Jones giảm hơn 1,000 điểm và chỉ số Nasdaq “bốc hơi” gần 5%, xoá sạch thành quả của phiên tăng mạnh trước đó (04/05). Sau khi tỏ ra nhẹ nhõm vì Fed loại trừ khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, thị trường đã nhanh chóng chuyển sang nỗi lo về một chu kỳ thắt chặt quyết liệt hơn và rủi ro suy thoái.
Ông Rosa cho rằng nhà đầu tư lúc đầu lạc quan vì Fed loại trừ khả năng tăng lãi suất 0.75 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ông Fed có thể thực hiện vài lần nâng lãi suất 0.5 điểm phần trăm trong vài tháng tới.
Vị chuyên gia nói thêm rằng chỉ có Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) là ngân hàng trung ương duy nhất có quan điểm thực tế. Hôm thứ Năm tuần trước (05/05), sau khi nâng lãi suất, BOE đã cảnh báo về những rủi ro suy thoái mà nền kinh tế Anh đang phải đối mặt.
“Rõ ràng, tất cả các ngân hàng trung ương đều đưa ra quan điểm cứng rắn ở thời điểm này. Nhưng thực tế là việc thắt chặt nhiều rốt cục sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế”, ông Rosa cho biết.
“Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và ở Mỹ, ngân hàng trung ương đều chưa thừa nhận rằng sẽ có một dạng suy giảm nào đó trong các hoạt động kinh tế”, ông Rosa nhận xét.
Ông Rose cho rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự báo, qua đó tạo ra những “cơn gió ngược” khác như nút thắt chuỗi cung ứng, lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng.
Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm hơn 11% từ đầu năm đến nay. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm hơn 14%; Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm gần 17.4%; và Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản mất hơn 9%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)