Chứng khoán - thêm nỗi lo mới?
Trước tình hình này, không ít nhà đầu tư lo ngại sẽ còn nhiều doanh nghiệp tương tự bị thanh tra các đợt cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước giai đoạn trước. Điều này có thể gây áp lực lên thị trường chứng khoán, hiện đang trong giai đoạn nhạy cảm và rất dễ tổn thương, nhất là khi trên sàn chứng khoán hiện nay không ít doanh nghiệp cũng đã trải qua quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong những năm trước đây.
Chứng khoán - thêm nỗi lo mới?
Không ít nhà đầu tư lo ngại sẽ còn nhiều doanh nghiệp tương tự bị thanh tra các đợt cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước giai đoạn trước. Điều này có thể cũng gây áp lực lên thị trường chứng khoán, hiện đang trong giai đoạn nhạy cảm và rất dễ tổn thương.
Thanh tra cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước
Cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Group ( HOSE : DIG ) đã có hai phiên giảm sàn vào ngày 1-3 và 3-3-2023, sau khi thông tin doanh nghiệp này sẽ bị thanh tra toàn diện về quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trước đây được công bố. Tính từ ngày 21-2 đến phiên ngày 3-3, giá cổ phiếu DIG đã rớt hơn 23%.
Trước đó, ngày 27-2-2023, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIC Group.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 27-2-2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Công ty cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, cơ quan thanh tra đã chuyển thông tin bảy vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản nhà nước sang Bộ Công an điều tra. Đối với những sai phạm trong cổ phần hóa Vinasport, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiếp đến, ngày 3-3-2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thủy (nay là Tổng công ty Vận tải thủy – công ty cổ phần), chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại đơn vị này. Trong đó, hồ sơ hai vụ việc cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn nhà nước được chuyển sang Bộ Công an để xác minh.
Các đợt thoái vốn nhà nước hàng năm cũng là một trong những chất xúc tác quan trọng cho thị trường chứng khoán, ít nhiều là động lực hỗ trợ thị trường trong những giai đoạn thiếu vắng thông tin. |
Trước đó, vào cuối năm 2022, Bộ Công an đã đề nghị truy tố bảy bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – công ty cổ phần (viết tắt là Cienco 1). Kết luận khi đó cho thấy những sai phạm trong cổ phần hóa tại Cienco 1 đã khiến Nhà nước thiệt hại hơn 230 tỉ đồng.
Phản hồi về việc bị thanh tra, phía DIC Group ngoài việc cung cấp thêm thông tin về lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước diễn ra tại doanh nghiệp trong giai đoạn năm 2017, cũng cho biết hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC Group mà rất nhiều doanh nghiệp khác thuộc đối tượng Thanh tra Chính phủ thanh tra. Đây là hoạt động thường kỳ của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Nhà đầu tư lo ngại?
Cần nhìn nhận rằng công cuộc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong những năm qua diễn ra rất chậm, thường xuyên không đạt mục tiêu đề ra mỗi năm. Ngoài số lượng các doanh nghiệp được cổ phần hóa còn ít, mức độ cổ phần hóa tại mỗi doanh nghiệp cũng thấp, khi Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Đặc biệt, không ít doanh nghiệp đã hoàn tất việc cổ phần hóa nhưng vẫn chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, khiến hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp này không được cải thiện bao nhiêu so với trước khi cổ phần hóa.
Những vướng mắc, khó khăn khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bị trì hoãn đã được nêu ra khá nhiều trong thời gian qua. Từ tư duy, quan niệm về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, những đặc quyền mà các doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận, cho đến cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, điều kiện thị trường chưa thuận lợi, thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện định giá doanh nghiệp,…
Bên cạnh đó, chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng không muốn đẩy mạnh cổ phần hóa hay thoái vốn, do sợ mất vị trí khi các doanh nghiệp này trở thành công ty cổ phần. Ngoài ra, những rủi ro của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trên thực tế cũng khiến nhiều lãnh đạo e ngại và không mấy mặn mà với việc này, khi về sau có thể bị thanh tra và cáo buộc hành vi bán rẻ tài sản nhà nước.
Dĩ nhiên bên cạnh những lãnh đạo thiếu trách nhiệm hay sợ trách nhiệm này, ngược lại vẫn có những lãnh đạo doanh nghiệp với tiềm lực tài chính vững mạnh đã lợi dụng chính sách để tìm cách thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, với mức giá rẻ hơn nhiều so với tài sản, nguồn lực, giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp đó. Điều này đã làm ngân sách nhà nước bị thất thu không nhỏ.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng tài sản nhà nước thất thoát nhiều qua cổ phần hóa, chủ yếu từ đất đai, khi các doanh nghiệp nhà nước hiện nay có quyền sử dụng nhiều đất có vị trí đắc địa, giá trị cao nhưng khi cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá đất sau đó tính lại không sát giá thị trường.
Chính vì vậy vào cuối năm ngoái, Bộ Tài chính đưa ra những đề xuất về việc nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật về cổ phần hóa trong thời gian tới, trong đó đặc biệt quy định việc tính toán giá trị nhà đất khi cổ phần hóa.
Quay trở lại với chính sách đẩy mạnh các đợt thanh tra liên quan đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian tới, điều này có thể nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, nhưng có lẽ cũng sẽ ảnh hưởng lên các đợt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong tương lai, khiến hoạt động này vốn đã trì trệ thì nay càng thêm chậm trễ.
Cần biết rằng các đợt thoái vốn nhà nước hàng năm cũng là một trong những chất xúc tác quan trọng cho thị trường chứng khoán, ít nhiều là động lực hỗ trợ thị trường trong những giai đoạn thiếu vắng thông tin. Không ít nhà đầu tư đã “vớ bẫm” khi lướt sóng đúng thời điểm tại những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn và được Nhà nước tiếp tục thoái vốn, thu hút dòng tiền đổ vào mạnh mẽ.
Triêu Dương
TBKTSG