Chứng khoán thế giới đỏ sàn, giá dầu rời mốc 100 USD/thùng
Các chỉ số chứng khoán chủ lực trên toàn thế giới đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 6-4 sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ công bố kết quả cuộc họp mới nhất, khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp để kiềm chế lạm phát tăng cao.
Chốt phiên giao dịch ngày 6-4, tại thị trường New York, các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm điểm, trong đó Nasdaq có mức giảm mạnh nhất - 2,2%.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 1,53%, trong khi chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương không kể Nhật Bản giảm 1,2%.
Theo biên bản cuộc họp ngày 15 và 16-3 vừa qua, giới chức FED nhất trí sẽ cắt giảm 60 tỉ USD/tháng trong lượng trái phiếu chính phủ đang nắm giữ và 35 tỉ USD đối với các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Đây là công cụ mà FED dự kiến thực hiện trong 3 tháng để ứng phó với lạm phát. Ngân hàng Trung ương Mỹ đang chịu áp lực phải kiềm chế lạm phát, vốn đã tăng lên các mức cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, mà không quá thắt chặt các điều kiện tài chính đến mức kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế.
Sau khi biên bản họp của FED được công bố cùng với quyết định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) xuất kho dự trữ chiến lược 120 triệu thùng dầu để bình ổn giá, giá dầu thế giới rời mốc 100 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm 5,73 USD (5,6%), còn 96,23 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 5,57 USD (5,2%), còn 101,07 USD/thùng.
Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch COVID-19 cùng với những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh, kéo theo lạm phát gia tăng không chỉ tại Mỹ mà hầu hết các nước.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã áp dụng chính sách giảm thuế các mặt hàng năng lượng, tăng lương tối thiểu để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn này.