Chứng khoán tháng 12 sẽ lên lại 1,200 điểm?
Các chuyên gia nhận định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang dần ổn định trở lại. Thêm vào đó, thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng sau đợt sụt giảm mạnh.
Chứng khoán tháng 12 sẽ lên lại 1,200 điểm?
Xung lực tăng sẽ tiếp tục trong tháng 12
Ông Phạm Thiên Quang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư CTCK VNDirect dự báo, chứng khoán tháng 12 sẽ tiếp tục tích cực. Trước đó, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh do các vấn đề riêng trong nước như kẹt thanh khoản hệ thống, bán giải chấp cổ phiếu bất động sản làm chứng khoán giảm mạnh quá mức. Tính tới nay, VN-Index giảm 29% so với đầu năm, trong khi mặt bằng chung thế giới đã hồi về cách đỉnh còn 10%. Do đó, thị trường còn xung lực để tăng bù cho mức chiết khấu sâu.
Thứ hai, dòng tiền ngoại đang đổ mạnh vào thị trường. Trong tháng 11, khối ngoại mua ròng mạnh, lượng tiền nhà đầu tư cá nhân bán ra đều được cân bằng bởi khối ngoại. Xung lực này có thể đến từ định giá rẻ của thị trường kết hợp với triển vọng khả quan của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Một lý do nữa giúp thị trường tăng tốt là triển vọng vĩ mô năm sau khi các áp lực từ bên ngoài sẽ giảm bớt. Chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh vào khoảng quý 1/2023, giúp lãi suất không còn bị đẩy lên cao nữa. Từ đó, dư địa điều hành của Chính phủ Việt Nam sẽ lớn hơn. Những yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào thị trường chứng khoán.
Ông Quang nhận định, theo triển vọng dài hạn cùng định giá thị trường, VN-Index với xung lực hiện tại có thể tăng lên mức 1,200 điểm trong tháng cuối năm 2022. Thị trường ổn định lại nhà đầu tư cá nhân sẽ bình tâm hơn. Từ đó dòng tiền sẽ sớm quay lại và củng cố xu hướng hồi phục thanh khoản.
Ông Võ Văn Cường - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Tiên Phong ( TPS ) nhận định, thị trường sẽ tích cực khi tâm lý hoảng loạn đã đi qua. Dòng tiền mua vào mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài và trong nước giúp thị trường vận động tốt hơn. VN-Index đang ở định giá rất rẻ, PE chỉ khoảng 10 lần. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết vẫn tích cực với tăng trưởng 20 - 25%. Những yếu tố này cho thấy dư địa tăng vẫn còn.
Từ quý 2 tới nay, chứng khoán giảm khá mạnh, do đó khi dòng tiền trở lại thì thị trường sẽ trở lại mức cân bằng. Dòng tiền trên 3 sàn hiện đang vào khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Nếu kết năm nay ở mức 1,200 điểm thì dòng tiền sẽ tiếp tục tích cực.
Sang năm 2023, ông Cường cho rằng nếu các giải pháp cho thị trường được đưa ra, room tín dụng được mở cùng các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo động lực tốt cho thị trường.
Thời điểm để giải ngân tích lũy cổ phiếu
Về chiến lược đầu tư, ông Cường khuyến nghị nếu đã tìm được cổ phiếu tốt thì nên giải ngân, nhất là với các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng và giá đã giảm mạnh. Tuy nhiên đây chưa phải là lúc để tất tay. Nhà đầu tư vẫn cần kiểm soát rủi ro và đòn bẩy ở mức hợp lý.
Trong tháng 9, tháng 10 vừa qua, tâm lý thị trường rất tiêu cực. Vấn đề thanh khoản của ngành bất động sản đã ảnh hưởng tới toàn thị trường. Những rủi ro đó hiện đã triệt tiêu và khó quay lại nên thị trường nay đã có nhịp hồi.
Đầu năm 2023, các vấn đề thanh khoản sẽ dịu lại, nhưng rủi ro tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đó. Điểm tích cực là lạm phát đang được kiểm soát khá tốt, do đó các ngân hàng trung ương có thể chủ động hơn trong chính sách tiền tệ và giảm tốc tăng lãi suất.
Ông Cường đánh giá nhóm bất động sản đã giảm mạnh trong tháng 9, 10. Khi dòng tiền hồi phục trở lại giúp cổ phiếu nhóm này tăng giá, nhưng nếu xem xét kỹ thì câu chuyện cơ bản của doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều thay đổi. Việc lướt sóng khi giá hồi phục là một chiến lược hợp lý song nhà đầu tư không nên chạy đua mua đuổi ở mức giá cao.
Nhóm ngân hàng vẫn còn giữ mức định giá rẻ. Nếu sang năm 2023 có room tín dụng mới thì nhóm này sẽ hút tiền trở lại. Do đó, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm ngân hàng.
Còn theo ông Quang, rủi ro định giá quá cao (overvalued) hiện tại thấp hơn so với đầu năm 2022. Nếu nhà đầu tư mua với mục đích tích lũy tài sản tốt và nắm giữ lâu dài thì đây là thời điểm hợp lý. Theo thống kê, sau khi thị trường từ đỉnh rớt về đáy thấp thì 12 tháng sau đó các nhóm ngành có tính chu kỳ cao như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép đều hồi phục mạnh.
Chí Kiên