Chứng khoán "sáng nắng, chiều mưa", VN-Index giảm 10 điểm

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 11:56:21

VN-Index sau phiên mở cửa ATO phiên 16/5 tăng hơn 24 điểm, có thời điểm tăng tới 32 điểm song đảo chiều khi áp lực bán tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lan ra.

Sau nhịp bán tháo 6 tuần tuần liên tiếp, thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên đầu tuần ngày 16/5 có nhịp hồi kỹ thuật mạnh, các chỉ số nhanh chóng lấy được sắc xanh và nhịp tăng lan rộng toàn thị trường. Các nhóm ngành đều diễn biến tích cực.

VN-Index sau phiên mở cửa ATO đã tăng hơn 24 điểm, thanh khoản cải thiện dần và sắc xanh mở rộng thêm ra toàn thị trường. Tính đến thời điểm 9h40, chỉ số chính tăng tới hơn 32 điểm, tương ứng 2,7%. Các mã tăng nhiều nhất phải kể đến nhóm dầu khí và chứng khoán. Ở nhóm dầu khí, PVS, PVD, PLX... đều được kéo lên mức giá trần. Đối với nhóm chứng khoán, SSI, HCM, VCI, VND cũng đồng loạt tăng hết biên độ.


Những mã đầu cơ thuộc "họ FLC", "họ Louis", hay nhóm cổ phiếu liên quan Nhựa Đồng Nai , Apec… đều diễn biến tích cực. Đến 9h40 sáng, các cổ phiếu lớn như GVR, VCS, MBB, LPB, BVH, MWG... cũng đua nhau tăng giá mạnh. GVR tăng 6,6%, MBB tăng 5%, BVH tăng 5,7%, MWG tăng 3,9%...

Tuy nhiên, đà tăng này chỉ giữ được tới khoảng 11h trưa bởi các chỉ số gặp phải rào cản khi áp lực bán dâng cao, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn không còn duy trì được đà tăng. Biên độ tăng của chứng khoán bắt đầu thu hẹp lại. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng 15,86 điểm.

Cổ phiếu dầu khí bứt phá mạnh phiên ngày 16/5. (Ảnh: SSI)

Áp lực bán tiếp tục diễn ra mạnh trong phiên chiều. Hầu hết các nhóm ngành đều quay đầu giảm giá. Một vài nhóm vẫn tăng song biên độ bị thu hẹp. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,82 điểm, tương ứng 0,91% xuống 1.171,95 điểm. Chứng khoán tưởng như đã lấy lại mốc 1.200 điểm song lại nhanh chóng mất mốc này ngay trong ngày.

Toàn sàn HoSE phiên 16/5 có 232 mã tăng, 224 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,66 điểm, tương ứng 1,54% lên 307,05 điểm. Sàn HNX có 148 mã tăng, 71 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,41 điểm, tương ứng 0,44% xuống 93,2 điểm.

Nhóm cổ phiếu trụ VN30 giảm 8,68 điểm, tương ứng 0,71% xuống 1.215,08 điểm. GAS là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường. Mã này giảm 5% xuống 95.000 đồng/cổ phiếu - mức giá thấp nhất trong ngày. Theo sau là VHM của Vinhomes giảm 3,2% xuống 65.800 đồng/cổ phiếu.


Nhóm ngân hàng diễn biến trái chiều. Một số mã nằm trong nhóm giao dịch tích cực như VCB, BID, MBB… song các mã khác lại nằm trong top những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất như TCB, STB… Trong đó, TCB giảm 3,5% xuống còn 32.600 đồng/cổ phiếu còn STB rớt xuống mức giá sàn. Ngoài STB, rổ VN30 còn một mã khác cũng giảm sàn là MSN của Masan.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ rơi mạnh dù phiên sáng diễn biến tích cực. DGW, FRT giảm sàn. MWG giảm 1,68%. Cổ phiếu hóa chất, phân bón diễn biễn tiêu cực không kém với DPM, DCM, CSV… giảm kịch sàn. Tại nhóm thép, HSG, NKG giảm sàn còn HPG lại tăng 1,1%.

Nhóm mã được lãnh đạo chi hàng trăm tỷ đỡ giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh, GEX giảm 4,3%, VGC giảm sàn, DXG giảm sàn…

Bên cạnh các nhóm mã giảm điểm, vẫn có một số mã tăng mạnh. Tại nhóm chứng khoán, HCM tăng trần, SSI tăng 5,8%, TVS tăng 5,5%, ORS tăng 5,3%, VCI tăng 3,3%...

Dù không giữ được đà tăng mạnh như phiên sáng 16/5, FLC vẫn tăng 1,8%, ART, ROS được khớp với mức giá trần. Nhiều doanh nghiệp liên quan lĩnh vực logistic cũng bứt phá mạnh mẽ như TNA, AST, DMC, NVL, PVT…

Một số mã đầu tư vẫn diễn biến tích cực. (Ảnh: SSI)

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.548 tỷ đồng, giảm 26%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 25% xuống 13.754 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng 260 tỷ đồng ở sàn HoSE. SSI là mã bị bán nhiều nhất 65 tỷ đồng, còn lại hầu hết các mã đều được mua ròng, song giá trị không quá lớn. HPG và CTG là hai mã được mua nhiều nhất nhưng cũng chỉ có 45 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán đưa ra nhiều kịch bản với thị trường hiện nay. Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy dòng tiền bắt giá thấp bắt đầu có hoạt động sôi động hơn dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Dự kiến dòng tiền bắt giá thấp sẽ tiếp tục hoạt động tích cực, đặc biệt là vùng quanh 1.150 điểm và giúp thị trường hồi phục trở lại.


VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp giảm của thị trường sẽ sớm dừng lại, đồng thời có thể xem xét lựa chọn giá tốt để mua vào tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt.

Chứng khoán Yuanta lại cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số có thể còn giằng co quanh mức 1.200 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và các chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật.


Còn theo Chứng khoán BIDV, ngưỡng 1.200 điểm là vùng hỗ trợ cứng của thị trường. Vì vậy VN-Index trong phiên đầu tuần sau có thể có sự hồi nhẹ về xung quanh mốc này, nếu không thì chỉ số sẽ tiếp tục lùi về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là vùng 1.150 điểm .

Chia sẻ Facebook