Chứng khoán phục hồi, giá xăng, dầu Mỹ giảm mạnh
Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hoặc chuyển sang tiêu cực ở nhiều quốc gia, và việc sử dụng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ thường giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái.
Giá dầu lao dốc trong tuần qua do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu ở Trung Quốc, bất chấp lo ngại rằng nguồn cung của Nga có thể giảm vào tháng tới khi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của EU đối với xuất khẩu dầu thô của nước này có hiệu lực.
Giá dầu WTI chuẩn Mỹ đã giảm khoảng 10% trong tuần này sau khi giảm 1,9% hôm 18/11, kết thúc phiên giao dịch ở mức 80,08 USD/thùng. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Giá dầu thô Brent chuẩn dấu quốc tế giao dịch tại London cũng giảm khoảng 9% trong tuần và đóng cửa giảm 2,4% xuống còn 87,62 USD.
Đợt bán tháo hôm 18/11 đã khiến giá dầu của Mỹ giảm khoảng 14% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 10 sau khi nhóm Opec+ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ thị trường dầu thô đang suy yếu, bất chấp áp lực từ Mỹ.
Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm tới, viện dẫn “vô số trở ngại” đối với nhu cầu, bao gồm “tỉ lệ suy thoái gia tăng, nền kinh tế yếu kém liên tục của Trung Quốc, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu” và đồng USD mạnh lên.
Giá dầu giảm đã giúp hạ giá xăng của Mỹ. Giá xăng trung bình toàn quốc là 3,71 USD/gallon, theo AAA, giảm từ 3,87 USD/gallon một tháng trước đó.
Giá xăng chỉ cao hơn vài xu so với khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ở Texas và một số bang miền Nam khác, xăng hiện đang được bán với giá gần 3 USD/gallon, gần bằng với giá một năm trước đó.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu và xăng giảm là do lo ngại ngày càng tăng rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng các chính sách phong tỏa do Covid-19 vì tình trạng lây nhiễm đang gia tăng trở lại. Điều đó có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu về dầu mỏ của nước này. Trên thực tế, dữ liệu vận chuyển cho thấy số lượng tàu chở dầu cung cấp cho nước này đã giảm trong những ngày gần đây.
Trung Quốc đã có tác động lớn đến giá dầu trong 2 thập kỷ qua vì nước này là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng yếu ở châu Âu, nơi nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng rất chậm, thậm chí không tăng trưởng.
Trong khi đó ở Phố Wall, chứng khoán giảm trong tuần khi các nhà đầu tư đắn đo giữa dữ liệu lạm phát giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, và những cảnh báo diều hâu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Trong phiên giao dịch hôm 18/11, chỉ số S&P 500 tăng 0,48%, chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, và chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất, ở mức 0,59%.
Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau cảnh báo của ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis rằng các đợt tăng lãi suất trước đây “chỉ có tác động hạn chế đối với lạm phát quan sát được”. Tỉ lệ lãi suất cho vay của ngân hàng trung ương có thể tăng lên ít nhất từ 5% đến 5,25%, ông Bullard cho biết.
Thị trường vẫn nhất trí rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 12, điều này sẽ chấm dứt chuỗi 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Nhận xét của Bullard đã gây ra một đợt bán tháo nhẹ trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất, tăng thêm 0,08 điểm phần trăm lên 4,53%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 0,06 điểm phần trăm lên 3,83%.
Chỉ số USD tăng 0,3%, mặc dù đã giảm hơn 4% trong tháng 11.
Giá vàng giảm 0,7% xuống 1.750,70 USD/ounce.
Bitcoin giảm 0,4% xuống còn 16.600 USD/BTC .
Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, Financial Times, Business Insider)