Chứng khoán Phố Wall giảm điểm tuần thứ 5 liên tiếp
Chứng khoán Phố Wall tiếp tục kết thúc một phiên thua lỗ hôm 22/9 do các nhà đầu tư lo ngại động thái mạnh mẽ của Fed có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,37% xuống còn 11.066,81. Chỉ số S&P 500 giảm 0,84% xuống còn 3.757,99, trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 107,10 điểm (0,35%) xuống còn 30.076,68,
Chỉ số Dow Jones đã tăng khoảng 2,4% trong tuần này. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 3% và 3,3% trong tuần. Đây là tuần giảm thứ 5 của các chỉ số này trong vòng 6 tuần trở lại đây.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,1%, mức cao nhất trong 15 năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 19 điểm cơ bản lên 3,7%.
Các ngành công nghiệp, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ tăng trưởng và chất bán dẫn đều là những ngành bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phòng thủ lại tăng trưởng tốt hơn.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất cho vay cơ bản, vốn ảnh hưởng đến nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh, thêm 0,75% lên 3-3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm của Fed trong năm nay, và tăng từ mức 0 vào đầu năm.
Việc Fed tăng lãi suất không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, các dự báo cập nhật của Fed về việc lãi suất tiếp tục tăng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Fed đã đưa ra một dự báo được gọi là “biểu đồ chấm” cho thấy họ dự kiến lãi suất chuẩn sẽ tăng lên mức 4,4% vào cuối năm, cao hơn 1% so với dự kiến hồi tháng 6.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết, “Mức đỉnh mà Fed nhắm tới càng cao thì nguy cơ suy thoái càng lớn. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể về tỉ lệ tăng việc làm có thể thuyết phục Fed “giảm bớt áp lực đối với tốc độ thắt chặt chính sách”.
Nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu chấp nhận khả năng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra sau quyết định tăng lãi suất của Fed, ông Tim Lesko, cố vấn tài chính cấp cao của Mariner Wealth Advisors cho biết. Đây cũng là điều mà Giám đốc điều hành FedEx Raj Subramaniam chia sẻ vào tuần trước.
Các quan chức Fed thừa nhận khả năng những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ như vậy có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, nhưng cho rằng lạm phát cần phải được kiểm soát. Họ đưa ra dẫn chứng rằng thị trường việc làm Mỹ vẫn tương đối mạnh cho thấy nền kinh tế số một thế giới có thể chịu được chi phí đi vay cao hơn.
Một khi suy thoái xảy ra, các nhà đầu tư sẽ phản ứng khác đi, ông Lesko nhận định. “Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra rằng suy thoái không có nghĩa là tận thế, và họ sẽ tiếp tục đầu tưi vào chứng khoán. Hiện tại, mọi việc đang diễn ra như kiểu trời sắp sập đến nơi rồi”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ đã tăng từ 1,10 USD lên 84,06 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô giảm 1 USD xuống còn 82,94 hôm 21/9.
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 1,09 USD lên 90,92 USD/thùng tại London sau khi giảm 79 cent xuống còn 89,83 USD trong phiên trước đó.
Đồng Euro giảm từ 99,09 cent/EUR xuống 98,67 cent/EUR.
Đồng USD giảm từ 143,46 Yên/USD xuống còn 142,46 Yên/USD.
Giá đồng Yên đã xuống đến mức 146 Yên/USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng và giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức -0,1%, đi ngược với chiến lược tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác. Sau động thái này, nhà đầu tư đã chuyển sang mua đồng USD.
Tuy nhiên, đồng Yên lại tăng lên mức 142 Yên/USD sau khi Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho rằng đây là một “bước đi táo bạo” của ngân hàng trung ương Nhật để mua đồng Yên và bán đồng USD .
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Investing, AP, Business Insider)