"Chứng khoán nhảy vọt sau đợt tăng lãi suất của Fed là một cái bẫy”
Morgan Stanley đang hối thúc nhà đầu tư đừng vội rót tiền vào thị trường chứng khoán bất chấp đà tăng mạnh sau quyết định của Fed.
"Chứng khoán nhảy vọt sau đợt tăng lãi suất của Fed là một cái bẫy”
Mike Wilson, Chiến lược gia cổ phiếu và Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, tin rằng việc Phố Wall quá phấn khích về ý tưởng Fed sẽ giảm nhịp độ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến là quá sớm và có vấn đề. Ông cho rằng việc thị trường tăng mạnh trong ngày 27/07 là “một cái bẫy”.
Theo Wilson, vấn đề cấp bách nhất là tác động từ đà giảm tốc kinh tế tới lợi nhuận doanh nghiệp và rủi ro Fed thắt chặt quá trớn.
“Thị trường có vẻ mạnh hơn đôi chút so với dự báo mặc dù các tín hiệu về tăng trưởng luôn ở mức tiêu cực”, ông nói. "Điều này diễn ra ngay cả thị trường trái phiếu hiện đang bắt đầu tin vào thực tế rằng Fed có thể sẽ đi quá xa và đẩy chúng ta vào suy thoái”.
Sắp tới hồi kết của đà giảm?
Wilson đặt mục tiêu giá S&P 500 đạt 3,900 điểm vào cuối năm, một trong những dự báo thấp nhất trên Phố Wall. Điều đó hàm ý rằng S&P 500 sẽ giảm 3% so với mức đóng cửa của ngày 27/07/2022 và giảm 19% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1/2022.
Ông cũng dự báo Phố Wall sẽ có thêm 1 đợt giảm mạnh trước khi hồi phục lên mức mục tiêu của ông. Wilson đang chuẩn bị cho S&P 500 giảm xuống dưới 3,636 điểm, mức đáy 52 tuần đã thiết lập hồi tháng trước.
“Chúng ta sắp đi đến hồi kết. Ý tôi là là thị trường gấu này đã diễn ra trong một thời gian”, Wilson nói. “Thị trường cần có 1 đợt giảm cuối cùng và tôi không nghĩ rằng mức đáy hồi tháng 6 đã đánh dấu đợt giảm cuối cùng”.
Wilson tin rằng S&P 500 có thể giảm xuống tới 3,000 điểm trong năm 2022 nếu kịch bản suy thoái diễn ra.
“Điều quan trọng với mỗi thương vụ đầu tư là ‘khả năng tăng ra sao và khả năng giảm thế nào’”, ông nói. “Bạn đang nhận quá nhiều rủi ro để chỉ nhận được những gì còn thừa trên bàn. Với tôi, đó không phải là đầu tư”.
Wilson xem bản thân có quan điểm thân trọng, đồng thời lưu ý ông đang có tỷ trọng cổ phiếu thấp và ưa thích các chiến lược phòng thủ như y tế, hàng tiêu dùng và tiện ích. Ông cũng muốn giữ thêm tiền mặt và trái phiếu tại thời điểm này.
Bên cạnh đó, ông không vội bỏ tiền vào thị trường và vẫn sẽ ở ngoài cho tới khi có tín hiệu đạt đáy.
“Chúng tôi cố gắng mang lại cho khách hàng một sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận khá tốt. Tại thời điểm này, sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận đang theo tỷ lệ 10 và âm 1”, Wilson cho biết. “Điều này chẳng có gì tốt”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)