Chứng khoán ngày 1/4: Nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh và tham vọng tỷ đô

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 00:50:57

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh (REE) bày tỏ tham vọng vốn hóa thị trường REE sẽ gấp đôi hiện tại và doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất đạt 5.810 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.855 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm trước. Năng lượng và nước là hai mảng đóng góp chính vào sự tăng trưởng của doanh thu, tăng 159% lên 3.055 tỷ đồng (năm 2021) từ 1.178 tỷ đồng (năm 2020).

Nợ vay ròng hợp nhất đạt 9.230 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021, tương đương mức đòn bẩy ròng 56,4% - tăng 26,8% so với mức 29,6% trong năm 2020.

Năm 2022, REE thông qua kế hoạch 9.280 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% và 2.064 tỷ lãi sau thuế, tăng trưởng 11% so với năm 2021. Đảm bảo kinh doanh hiệu quả nhằm đạt thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 15%/năm.

Kết quả kinh doanh

Với kết quả trên, REE sẽ chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.


Là người chèo lái “con tàu” REE từ những ngày đầu tiên cho tới khi trở thành một tập đoàn tiếng tăm như hiện nay, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh được nhiều người biết tới. Năm 2014, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh đã được vinh danh bởi Tạp chí Forbes, bà đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) và là một trong 80 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo Nghị định 72/2017/NĐ-CP, Chủ tịch HĐQT sẽ không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng từ ngày 1/8. Năm 2020, bà Thanh đã rời ghế tổng giám đốc sau 30 năm lãnh đạo.

Nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh tham vọng lớn

Theo bà Thanh, năng lượng tái tạo là mảng đầu tư chiến lược của REE. Hiện, danh mục của REE chỉ có một công ty nhiệt điện và còn lại đều là năng lượng sạch như điện gió, mặt trời, thủy điện. REE sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mảng năng lượng tái tạo. Mặt khác, nhân sự là thành viên HĐQT mới có nhiều kinh nghiệm trong mảng này và được kỳ vọng đóng góp nhiều phát triển sắp tới của doanh nghiệp.

Chốt phiên 30/3, cổ phiếu REE giao dịch ở mức 81.700 đồng/cp. Vốn hóa thị trường đạt 25.249,46 tỷ đồng.


Nhà đầu tư tâm lý ổn định

Sau phiên giảm nhẹ, tâm lý thị trường đã có phần ổn định hơn giúp VN-Index hồi phục nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, VN-Index đứng ở mức 1.492,15 điểm, tương ứng giảm 0,41% so với cuối năm 2021. HNX-Index giảm đến 5,14% xuống 449,62 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 3,87% lên 117,04 điểm.

Kết thúc tháng 3, chỉ số tiếp tục xu hướng đi ngang giống 2 tháng trước đó, áp sát và điều chỉnh từ vùng kháng cự mạnh 1.515 điểm. Đà tăng hôm nay tiếp tục được duy trì nhờ lực tăng của cổ phiếu trụ trong rổ VN30 là VNM và VRE.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng tại nhóm midcaps và smallcaps. Nhìn chung, kênh tăng giá ngắn hạn của chỉ số VN-Index đã có tín hiệu hình thành và sẽ xác nhận khi chỉ số vượt vùng kháng cự 1.515 điểm.


Theo SHS, vùng hỗ trợ 1.480-1.485 điểm vẫn được giữ vững và sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm.

VCBS tư vấn, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời dần các cổ phiếu đã "bắt đáy" trước đó, nếu thị trường tiếp tục xu hướng tiến gần hơn tới vùng kháng cự quanh 1.500 điểm trong những phiên tới.

Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng thời điểm này để cơ cấu lại danh mục cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn mới, trong đó cổ phiếu của các doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 là ưu tiên hàng đầu.


Duy Anh

Chia sẻ Facebook