Chứng khoán Nga hoạt động kém nhất thế giới vì chiến tranh

Chia sẻ Facebook
19/12/2022 08:16:11

Cuộc xung đột với Ukraine đã khiến chứng khoán Nga lao vào đà sụt giảm đáng kể từ tháng 2. Gần 10 tháng sau đó, triển vọng phục hồi dường như vẫn còn xa vời sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã kích hoạt một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến chứng khoán Nga hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay.

Chứng khoán Nga hoạt động kém nhất thế giới vì chiến tranh

Chứng khoán Nga lao vào đà sụt giảm kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ảnh: etfstream

Trong khi nền kinh tế rộng lớn hơn của Nga trụ vững được trước các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và các đồng minh tốt hơn dự kiến, thị trường chứng khoán của nước này lại vẽ nên một bức tranh khác.

Các cổ phiếu của Nga đã bị loại khỏi các chỉ số chuẩn trên toàn cầu và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo dõi cổ phiếu của nước này cũng cũng bị đóng băng hoặc đóng cửa. Các nhà đầu tư trong nước đã không thể cứu vãn thị trường chứng khoán trong nước khỏi cơn suy thoái do chiến tranh gây ra, dù hầu hết nhà đầu tư nước ngoài bị cấm bán các cổ phiếu của các công ty Nga mà họ còn nắm giữ.

Đợt bán tháo hồi tháng 2 đã khiến thị trường chứng khoán Moscow đóng cửa trong thời gian dài kỷ lục. Chỉ số RTS tính bằng đô la Mỹ, theo dõi 50 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên Sàn giao dịch Moscow hiện giảm 35% trong năm nay, khiến nó trở thành chỉ số hoạt động kém nhất trong số 92 chỉ số được Bloomberg theo dõi trên toàn cầu tính theo nội tệ và hoạt động kém thứ ba tính theo đô la Mỹ.

Chỉ số chứng khoán MOEX của Nga, được định giá bằng đồng rúp, giảm mạnh 44%, hướng tới mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2008. Với tình hình căng thẳng của chiến tranh ngày càng gia tăng, nhiều tổn thất đối với thị trường cổ phiếu của Nga có thể còn nằm phía trước.

“Chứng khoán Nga phản ánh bức tranh u ám phía trước khi các lệnh trừng phát của phương Tây bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế trong nước. Triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ trong vài quí tới cũng là tín hiệu xấu đối với dầu thô của Nga, đặc biệt là vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa năng lượng của Nga”, Piotr Matys, nhà phân tích tiền tệ ở Công ty InTouch Capital Markets, nhận định.

EU và khối các cường quốc G7 đã đồng ý cấm các công ty trong khối cung cấp các dịch vụ quan trọng bao gồm bảo hiểm cho các tàu chở dầu thô của Nga nếu được mua trên mức giá trần 60 đô la Mỹ/thùng. Các cổ phiếu dầu mỏ của Nga cũng bị ảnh hưởng do giá dầu biến động mạnh, với dầu Brent chuẩn quốc tế giảm khoảng 40% so với mức đỉnh hồi tháng 3.

Hai công ty năng lượng Lukoil và Gazprom, những thành viên quan trọng nhất của chỉ số MOEX, lần lượt chứng kiến cổ phiếu của họ giảm 30% và 53% trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng niêm yết lớn nhất Nga, Sberbank giảm 54% khi các lệnh trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến mọi thứ, từ khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài cho đến hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Những lo ngại về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gọi thêm quân sau khi thực hiện cuộc tổng động viên một phần để huy động 300.000 người nhập ngũ hồi tháng 9 cũng làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước.

Iskander Lutsko, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Công ty ITI Capital, có trụ sở ở Moscow, nói: “Tôi thấy hoạt động kém hiệu quả của thị trường chứng khoán Nga là đáng ngạc nhiên vì tất cả các rủi ro địa chính trị đã được định giá ngay từ đầu và các biện pháp trừng phạt muộn, thậm chí cả cơ chế áp giá trần dầu Nga, không phải là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với chứng khoán Nga”.

Lutsko cho rằng thị trường tiếp tục trượt dốc là do thiếu hỗ trợ từ các quỹ tổ chức trong nước, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư nhỏ lẻ suy yếu là do rủi ro Moscow mở đợt tổng động viên mới và và dòng tiền gửi chảy ra nước ngoài.

Chứng khoán Nga lao vào đà sụt giảm kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ảnh: etfstream

Năm 2023 khó có thể mang lại bất kỳ sự khả quan nào cho thị trường cổ phiếu Nga khi chiến tranh và các biện pháp kiểm soát vốn vẫn tiếp diễn, đặc biệt nếu kinh tế toàn cầu suy thoái và các biện pháp trừng phạt mới gây áp lực lên nền kinh tế Nga hơn nữa.

Hôm 15-12 các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ chín đối với Moscow, nhắm vào các ngân hàng mới và quan chức cũng như khả năng tiếp cận máy bay không người lái của nước này.

“Nếu không có dòng vốn mới chảy vào, và các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn duy trì, chứng khoán Nga có thể hoạt động kém một lần nữa trong năm tới”, nhà phân tích tiền tệ Piotr Matys nhận định.

Lê Linh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook