Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 18:52:41

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 176,89 điểm, tương đương 0,5%, xuống 32.813,23 điểm.


Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 1/6, nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về “sức khỏe” nền kinh tế số 1 thế giới.

Diễn biến chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch 1/6. Ảnh: CNBC.

“Thị trường sẽ tiếp tục biến động trong nửa đầu tháng 6, và có thể là phần lớn thời gian của tháng 6, vì không có thông tin mới nào giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư”, Liz Young, Giám đốc chiến lược đầu tư tới từ SoFi, chia sẻ trong chuyên mục “Halftime Report” của CNBC.

Nhóm cổ phiếu lĩnh vực tài chính giảm điểm mạnh nhất trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá cổ phiếu của Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều giảm hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu của Salesforce tăng khoảng 9,9% sau khi công ty này công bố báo cáo lợi nhuận quý I vượt dự báo.

“Lốc xoáy” kinh tế

Jamie Dimon, CEO JPMorgan trong ngày 1/6 nhận định nền kinh tế Mỹ đang đương đầu với “một cơn lốc xoáy”.

“Bạn nên chuẩn bị thật kỹ”, Dimon chia sẻ trong một hội thảo tài chính. “JPMorgan đã có những chuẩn bị nhất định và chúng tôi sẽ tương đối bảo thủ với bảng cân đối tài sản của mình”.

Một yếu tố khiến Dimon lo lắng, theo chia sẻ của ông, chính là quá trình siết chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh đó là sự biến mất của các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Phiên giao dịch 1/6 đánh dấu ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch cắt giảm bảng cân đối tài sản của Fed, hiện đang ở ngưỡng 9.000 tỷ USD.

Fed đã tăng lãi suất 2 lần trong năm nay, trong đó có một lần tăng tới 0,5%, cao nhất trong vòng hơn 20 năm. Cơ quan này cũng đánh tiếng về những lần tăng lãi suất tiếp theo nhằm kiểm soát lạm phát. Trong ngày hôm qua, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết bà ủng hộ tăng mạnh lãi suất cho tới khi nào lạm phát “hạ nhiệt”.

Lo lắng xung quanh chiến lược tiền tệ thắt chặt thậm chí tăng lên sau khi Viện Quản lý cung ứng công bố chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất đạt 56,1 điểm trong tháng 5, tăng cao hơn so với tháng trước đó. Trong khi đó, số lượng việc làm mới giảm mạnh trong tháng 4, nhưng vẫn ở ngưỡng cao so với lịch sử.

“Thông thường, những dữ liệu kinh tế tích cực như vậy được các nhà đầu tư chào đón”, Hussey chia sẻ. “Nhưng hiện tại, nhà đầu tư lại phản ứng ngược lại, có lẽ bởi vì họ cho rằng quá trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa có tác động đủ lớn trong việc kéo giảm lạm phát, và Fed sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa khiến mục tiêu ‘hạ cánh mềm’ khó có thể được hiện thực hóa và thậm chí nền kinh tế bị đẩy vào suy thoái”.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong phiên giao dịch 1/6. Lãi suất tăng làm giảm giá trị lợi nhuận tương lai và khiến cho cổ phiếu ít hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Chia sẻ Facebook