Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp, Dow Jones mất hơn 300 điểm
Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,96%, 1,1% và 1,12%.
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp, đe dọa thành quả tăng điểm từ giữa tháng 6 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương khác liên tục phát đi tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát dù điều đó khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại, và thậm chí, lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm.
Theo đó, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.986,16 điểm. Chỉ số này thủng ngưỡng 4.000 điểm lần đầu tiên từ tháng 7. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,12% xuống 11.883,14 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 308,12 điểm, tương đương 0,96%, xuống 31.790,87 điểm.
Thị trường tiếp tục đà giảm từ phiên giao dịch 26/8 với chỉ số S&P 500 giảm hơn 3% trong ngày hôm đó sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Đà hồi phục của chỉ số này từ giữa tháng 6 giảm một nửa còn 8,7%. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq diễn biến tương tự khi chỉ còn cao hơn đáy giữa tháng 6 lần lượt 6% và 11%.
Chủ tịch Fed New York John Williams là quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ mới nhất lên tiếng về triển vọng chính sách tiền tệ thời gian tới. “Tôi cho rằng cầu đang vượt xa cung, do đó chúng ta cần đưa mức lãi suất thực tế lên trên ngưỡng 0%. Chúng ta cần thực thi các chính sách siết chặt để giảm cầu, và hiện tại chưa thể hoàn thành được mục tiêu đó”, ông chia sẻ với Wall Street Journal.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Estonian Madis Muller đồng thời là thành viên của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng này nên cân nhắc phương án tăng lãi suất 0,75% trong tháng 9 trong bối cảnh lạm phát cao đột biến.
“Chúng ta đang trong một giai đoạn hết sức khó lường. Tôi cho rằng không có điều gì có thể giúp cải thiện tâm lý của thị trường ngoài việc lạm phát phải đi xuống trong nhiều tháng liên tiếp”, Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư Homrich Berg, nhận định.
Bà bổ sung rằng sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ đổ dồn về báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 2/9 tới. Nếu như dữ liệu cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, quyết tâm của Fed trong cuộc chiến lạm phát sẽ càng lên cao.
Trong ngày hôm qua, dữ liệu sơ bộ từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy điều này chưa xảy ra. Số lượng việc làm mở mới trong tháng 7, sau khi đã loại bỏ các yếu tố mùa vụ, tăng lên 11,2 triệu đơn vị.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng lên ngưỡng 3,466%, cao nhất 15 năm. Trong khi đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3,107%. Đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều khiến nhà đầu tư quan ngại suy thoái sẽ nổ ra.
Sau bài phát biểu của ông Powell, thị trường dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tháng 9 tới. Trên thị trường lãi suất tương lai, xác suất Fed tăng lãi suất 0,75% hiện ở ngưỡng 73%, theo CME Group. Chỉ một tuần trước đó, con số này chỉ là 53%.