Chứng khoán - khi bên mua bắt đầu sốt ruột

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 08:00:27

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những diễn biến tích cực từ đầu tháng 8-2022 đến nay, khi đi cùng với điểm số tăng ổn định là thanh khoản gia tăng, cho thấy dòng tiền dường như đã sốt ruột và bắt đầu nhập cuộc mạnh mẽ hơn.

Chứng khoán - khi bên mua bắt đầu sốt ruột

Chỉ số VN- Index đang phát đi những tín hiệu đầy tích cực. Ảnh: LÊ VŨ

Vĩ mô ổn định trở lại

Duy trì đà phục hồi ổn định trong tháng 8, với nhịp tăng mạnh chủ yếu diễn ra vào giai đoạn đầu tháng và sau đó là giữa tháng, chỉ số VN- Index đang phát đi những tín hiệu đầy tích cực. Đáng lưu ý là khối lượng giao dịch cũng có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước, hàm ý dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại sau khi đã rút ra từ quí 2.

Một nhịp tăng mới dường như đang được xác nhận, nhất là khi các lo ngại về vĩ mô dần hạ nhiệt. Sau lo ngại trong những tháng đầu năm, nhiều ý kiến gần đây cho rằng lạm phát trong năm nay sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát 4%. Với các đợt giảm giá xăng dầu trong nước liên tiếp gần đây theo đà giảm của giá dầu thế giới cũng như trước động thái điều chỉnh giảm các loại thuế, phí, chỉ số giá tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian còn lại của năm nay. Nhất là khi, các cơ quan quản lý cũng đang có những động thái kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng đã ổn định trở lại sau những bước tăng đáng chú ý trước đó. Giá đô la Mỹ mua bán tại các ngân hàng lẫn thị trường tự do đã giảm sức ép đáng kể so với những tuần trước. Việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực, kiều hối tăng khi càng về cuối năm, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng góp phần làm cho đô la Mỹ dồi dào hơn, giảm được áp lực về tăng tỷ giá.

Với lạm phát, tỷ giá hạ nhiệt, hệ quả là lãi suất cũng có điều kiện giữ ổn định trong thời gian còn lại của năm nay.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Dragon Capital, nhóm chuyên gia của công ty quản lý quỹ này nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ trì hoãn quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm cả việc thiết lập trần đối với lãi suất tiền gửi, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn sang năm sau. Ngoài ra, theo Dragon Capital, nhìn chung, chính sách tiền tệ đang có xu hướng thận trọng và thu hẹp hơn, đặc biệt khi tổng hạn mức tín dụng trên GDP có thể đạt 127% trong năm 2022, mức tương đối cao so với khu vực.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn được kiểm soát chặt chẽ và NHNN vẫn chưa nới room tín dụng, rõ ràng các ngân hàng cũng không có nhiều động lực phải tăng trưởng huy động vốn bằng mọi giá.

Kỳ vọng phục hồi

Ngày 15-8 Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) bất ngờ hạ lãi suất cho vay tham chiếu kỳ hạn một năm của Trung Quốc thêm 10 điểm cơ bản, về 2,75%. Lãi suất trong thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn bảy ngày cũng giảm từ 2,1% về 2%, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tác động từ Covid-19 và khủng hoảng bất động sản, sau khi các dữ liệu vĩ mô tiêu cực được công bố mới đây.

Yuanta dự báo VN-Index có thể hồi phục về gần vùng kháng cự 1.388-1.418 điểm và đồ thị giá của VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ cũng được dự báo sẽ hạ nhiệt khi lạm phát của nền kinh tế số 1 thế giới được cho là đã lập đỉnh.

Điều quan trọng hơn là với các tin xấu vẫn liên tiếp xuất hiện thời gian qua, từ căng thẳng eo biển Đài Loan, cho đến cảnh báo dịch đậu mùa khỉ, hay như trong nước là nỗi lo dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng thị trường vẫn không giảm thêm, đưa đến kỳ vọng nhà đầu tư đã rất chán nản và sẽ không còn chấp nhận bán ra bằng mọi giá, đồng nghĩa với hy vọng thị trường có thể đi lên trở lại.

Thực tế như đã nói với điểm số “tà tà” đi lên cùng thanh khoản gia tăng trong những phiên vừa qua, cho thấy người mua dường như cũng đã thật sự sốt ruột và khó lòng kiên nhẫn chờ đợi thêm một nhịp giảm sâu để nhặt hàng. Trong khi đó, với các tin tức tích cực như số lượng tài khoản mở mới tiếp tục lập kỷ lục, giao dịch T+2 từ cuối tháng 8 hay dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quí 3, có vẻ như nhà đầu tư cần phải sớm hành động để đón đầu nhịp tăng trong quí 4.

Nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP quí 3 có thể đạt mốc từ hai chữ số trở lên, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài suốt nhiều tháng. Với việc kích thích đầu tư công trong những tháng cuối năm, tốc độ phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong quí 3 này, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái do phải tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, phải “3 tại chỗ” trong nhiều tháng, trong khi chi phí hoạt động tại giai đoạn đó bị gia tăng đáng kể.

Tỷ giá, lãi suất nếu ổn định trở lại cũng sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp tránh được những thách thức trong giai đoạn tới, nhất là đối với các doanh nghiệp vay nợ nhiều hoặc có hoạt động thương mại bị ảnh hưởng mạnh bởi tỷ giá.

VinaCapital mới đây dự báo tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trên 20% trong năm 2022 sẽ hỗ trợ sự phục hồi của VN-Index vào cuối năm 2022. Còn báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank dự báo tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục mạnh mẽ ở hầu hết các ngành vào nửa cuối năm 2022, với tăng trưởng EPS có thể đạt 25%.

Trong báo cáo tháng 8, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số giá hàng hóa CRB đã điều chỉnh giảm 17% so với mức đỉnh tháng 6-2022 cho thấy lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và tâm lý nhà đầu tư có thể cải thiện tích cực trong tháng 8 này. Theo đó, Yuanta dự báo VN-Index có thể hồi phục về gần vùng kháng cự 1.388-1.418 điểm và đồ thị giá của VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn.

Triêu Dương


TBKTSG

Chia sẻ Facebook