Chứng khoán khát tiền

Chia sẻ Facebook
10/11/2022 09:13:05

Ngày 9-11, thị trường chứng khoán trong nước giữ được sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp sau chuỗi ngày giảm mạnh trước đó. VN-Index tăng nhẹ 3,94 điểm (+0,4%) và đóng cửa tại 985,59 điểm.


Thị trường bị giảm sâu

Dù vậy, điều này chưa làm nhà đầu tư an tâm vì dòng tiền trên thị trường vẫn quá yếu, chỉ khoảng 11.000 tỉ đồng cho cả 3 sàn (HoSE, HNX, UpCoM), nhiều cổ phiếu vẫn chịu áp lực bán giải chấp từ các công ty chứng khoán.

Trước đó, thị trường đã có chuỗi giảm điểm mạnh và liên tục trong tháng 9 và 10, VN-Index chọc thủng ngưỡng 1.000 điểm tới 3 lần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2020. Trong chuỗi lao dốc đó, tất cả các nhóm ngành trên thị trường đều giảm. Cổ phiếu bất động sản giảm tới 13,8% vì những lo ngại liên quan đến khả năng thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng giảm sâu tới 22,4% vì kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý III/2022, cùng lượng hàng tồn kho quá lớn.

Việc thiếu vắng dòng tiền khiến thị trường chứng khoán liên tục có những đợt sụt giảm mạnh Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy tính đến hết tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm tới 31,7% trên chỉ số VN-Index, gấp đôi mức giảm của các thị trường lớn trên thế giới. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân 1 phiên của sàn HoSE trong tháng 10 chỉ còn 9.200 tỉ đồng, giảm tới 17% so với mức 11.700 tỉ đồng trong tháng 9 và giảm tới hơn một nửa so với những tháng đầu năm.

Các công ty chứng khoán đánh giá việc thị trường Việt Nam ảm đạm trong khi chứng khoán thế giới phục hồi đáng kể trong tháng 10 là dấu hiệu khá tiêu cực. Nguyên nhân có thể lý giải là do áp lực tăng lãi suất trong nước, cộng với lo ngại liên quan đến thị trường trái phiếu sau sự kiện "Vạn Thịnh Phát - SCB" khiến giới đầu tư lo lắng.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM, Công ty Chứng khoán DSC, cũng nhận xét thị trường chứng khoán trong nước giảm nhiều so với các thị trường khác trên thế giới. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, VN-Index đã giảm hơn 35%, trong khi thế giới chỉ giảm 15%. Đặc biệt, thị trường còn giảm kép khi các nhà đầu tư liên tục bị công ty chứng khoán "bán giải chấp" vì giá cổ phiếu xuống quá thấp, kể cả lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết cũng không tránh khỏi.


Mở ra cơ hội trong ngắn hạn

"Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm không hoàn toàn xuất phát từ tình hình kinh tế vĩ mô mà do cạn kiệt dòng tiền. Ba kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế là cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng ngân hàng. Hiện chỉ có cổ phiếu là gồng gánh thanh khoản khi hai kênh còn lại bị tắc ngắn hạn. Điều này khiến thị trường giảm sâu, tuy nhiên một khi không có rủi ro hệ thống, điều này sẽ mở ra cơ hội trong ngắn hạn với những cú sell-off (bán tháo - PV). Khi vấn đề thanh khoản được giải quyết với 2 kênh còn lại dần được khơi thông (qua đầu năm mới có room tín dụng), cơ hội mua sell-off có thể sẽ qua đi" - ông Huy phân tích.

Tuy vậy, Công ty Chứng khoán SSI nhận định chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 31% kể từ đầu năm và hệ số P/E (mức định giá) năm 2022 của chỉ số VN-Index cũng tương đương ở mức này, cho thấy mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn những tác động xấu của lạm phát và lãi suất trong tương lai. Đặc biệt, trải qua hai tháng 9 và 10, tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Theo đó, SSI cho rằng thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy. Trong giai đoạn này, thị trường sẽ ghi nhận sự biến động, trạng thái giằng co mạnh.


Cần thêm thời gian thu hút dòng tiền

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng hệ số P/E của VN-Index chỉ quanh mức 10-10,7 lần, tức là thị trường đang được định giá rẻ. Đây là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất gia tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định, đội ngũ phân tích của Mirae Asset nhận định vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường. "Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 nhờ sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới, tâm lý nhà đầu tư cải thiện" - báo cáo của Mirae Asset dự báo.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng để thị trường ổn định hơn thì cần có dòng tiền mới, tiền từ doanh nghiệp niêm yết… “Thực ra không phải thị trường không có tiền mà là thời điểm nào. Theo tôi, Bộ Tài chính cần xin cơ chế để cho phép doanh nghiệp dùng tiền của họ hoặc tiền từ cổ tức để mua cổ phiếu quỹ nhanh để tăng thanh khoản cho thị trường. Về chính sách, Bộ Tài chính nên xem xét giảm thuế, phí cho nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt với ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản cũng cần được hỗ trợ giảm thuế GTGT trong thời gian 1 năm, từ 10% xuống 5% để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết thuộc những ngành này vượt qua giai đoạn khó khăn, củng cố niềm tin của nhà đầu tư về doanh nghiệp” - ông Hải góp ý.

Chia sẻ Facebook