Chứng khoán còn giảm bao nhiêu, ánh sáng cuối đường hầm đã có chưa?
Bài viết là một số câu trả lời cho những câu hỏi: Chứng khoán còn giảm bao nhiêu nữa? Thị trường gấu là gì? Ánh sáng đã xuất hiện chưa?
Từ lạm phát cao đến cuộc chiến ở Ukraine, các nhà đầu tư đang đối phó với một cơn bão rủi ro "hoàn hảo".
Theo đó, ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng cường cuộc chiến lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất mà không làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng dài hạn. Nhưng mối lo ngại và sự không chắc chắn ngày càng tăng khi căng thẳng giữa phương Tây và Nga leo thang sau cuộc chiến ở Ukraine.
Ở Mỹ, chỉ số S&P 500 - đại diện cho 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất nước Mỹ, phần nào phản ánh sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới - tiếp tục lao dốc trong tuần này xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm và thiết lập mức giảm gần 8% trong tháng 9.
Chỉ số Nasdaq 100, thiên về các ngành công nghiệp nặng, cũng giảm gần 33% so với đầu năm nay. Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bốc hơi hơn 20%, còn bitcoin - đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới giảm gần 60% giá trị.
Giá nhà cũng đang giảm mạnh khi lãi suất tăng lên khiến những khoản vay dành cho người mua nhà tiềm năng trở nên đắt đỏ hơn.
Với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp mạnh tay tăng lãi suất. Nhưng liệu việc tăng lãi suất để làm tăng chi phí đi vay, từ đó làm giảm nhu cầu và đưa giá cả về mức phù hợp, có đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái sâu hay không?
"Đó thực sự là một tình huống nan giải vào thời điểm này. Phần lớn là bởi các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một loạt các cú sốc", Cristian deRitis, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Moody's, lý giải.
Vậy chứng khoán có thể giảm thêm bao nhiêu nữa? Thị trường gấu chính xác là gì? Và ánh sáng cuối đường hầm đã xuất hiện? Dưới đây là một số câu trả lời.
Thị trường gấu chính xác là gì?
Thị trường gấu hay còn gọi là thị trường giá xuống xảy ra khi các chỉ số trên thị trường nói chung giảm hơn 20% so với mức cao gần đây.
Tại sao Mỹ đang ở trong thị trường gấu?
Theo ông Peter Essele - người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Commonwealth Financial Network, một công ty có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) - những lo ngại dai dẳng về lạm phát và khả năng của Fed mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế giá cả mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc gần đây.
Điều gì khiến lạm phát cao và tại sao giá vượt tầm kiểm soát?
Nói với Al Jazeera, ông Kenneth McLaughlin - giáo sư kinh tế tại Đại học Hunter ở New York - cho rằng một trong những lý do là chính phủ liên bang Mỹ đã "bơm 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế, bao gồm cả gói kích thích bằng tiền mặt cho người dân trong thời kỳ đại dịch, với ý định tốt nhưng không có kế hoạch chi trả cho nó".
Nói một cách khác là đầu năm 2020, khi các doanh nghiệp đóng cửa và nền kinh tế phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona, hàng triệu người Mỹ nhận ra họ không được đi đâu và tăng cường chi tiêu bằng tiền hỗ trợ của chính phủ. Điều đó khiến giá cổ phiếu, bitcoin và giá nhà trên toàn nước Mỹ tăng vọt. Nó cũng khiến nhu cầu về hàng hóa tăng lên và dẫn đến chi phí sinh hoạt tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Điều này khiến thị trường chứng khoán đi xuống như thế nào?
Và khi Fed tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, về cơ bản là làm tăng chi phí đi vay từ đó làm giảm giá hàng hóa và dịch vụ, người ta bắt đầu lo ngại về nền kinh tế tăng chậm lại. Điều này khiến giá cổ phiếu và các kênh đầu tư khác đi xuống.
Đây có phải là hậu quả của những gì đã xảy ra trong 2 năm qua?
Nói với Al Jazeera, ông Essele cho rằng, những gì xảy ra trong hai năm qua là chưa từng có trong nhiều lĩnh vực. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay có thể cũng do mức lãi suất cực thấp trong nhiều thập kỷ qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khi người dân được vay vốn rẻ hơn.
Thị trường đã có một đợt phục hồi?
Thị trường chứng khoán đã có một đợt phục hồi trong tháng 8. Mọi thứ có vẻ cải thiện hơn khi giá xăng dầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng. Giới đầu tư hy vọng Fed sẽ giảm bớt việc tăng lãi suất khi các số liệu về lạm phát tháng 8 cho thấy giá tiêu dùng đã hạ nhiệt. Nhưng bất chấp giá xăng dầu, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu rẻ hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vẫn tăng 8,3% so với năm ngoái.
Chúng ta đang ở đâu?
"Lạm phát đang trở nên cơ cấu hơn và các nhà đầu tư giờ đây lo ngại về lạm phát đình trệ", ông Essel lý giải và cho rằng giá cả tăng có thể duy trì trong thời gian dài. Lạm phát đình trệ là từ để chỉ tình trạng lạm phát cao ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Thị trường gấu sẽ tồn tại bao lâu?
Kỳ vọng về lạm phát vẫn trên mức trung bình. Cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga làm tăng thêm sự bất ổn và sẽ tiếp tục khiến nhà đầu tư và thị trường hoang mang.
"Nhưng có thể chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của thị trường giá xuống", ông Essele nói.
Tôi không sở hữu cổ phiếu nào, tại sao tôi lại phải quan tâm về thị trường giá xuống?
Trong khi các nhà đầu tư chứng khoán là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của thị trường giá xuống, thì những tác động của nó cũng lan tỏa đến các phần còn lại của nền kinh tế, chủ yếu do "hiệu ứng tài sản". Nghĩa là, khi các hộ gia đình nhận thấy giá trị khoản lương hưu và danh mục cổ phiếu của họ sụt giảm, họ sẽ hạn chế chi tiêu.
"Với mức độ phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế Mỹ, tác động này có thể sẽ rất lớn và phổ biến", chuyên gia deRitis ở Moody's khẳng định với Al Jazeera. Theo đó, các lĩnh vực như du lịch, giải trí và khách sạn lưu trú có thể cảm nhận ảnh hưởng ngay lập tức, các ngành khác như nhà ở và thương mại bán lẻ cũng sẽ nhận thấy nhu cầu giảm khi các hộ gia đình trở nên thận trọng trong chi tiêu.