Chứng khoán có còn là 'hàn thử biểu' của kinh tế Mỹ?

Chia sẻ Facebook
13/10/2022 17:41:43

Khi Fed sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng để hạ nhiệt lạm phát, "tin tốt" với kinh tế Mỹ trở thành tin xấu của Phố Wall. Tình hình đã thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn đầu đại dịch.

Chứng khoán có còn là 'hàn thử biểu' của kinh tế Mỹ?

Thị trường chứng khoán Mỹ được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng hai bên đã nhiều lần nghịch chiều kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cách đây hơn 2 năm, khi dịch Covid-19 bắt đầu càn quét nước Mỹ, hàng nghìn người qua đời vì virus, hàng triệu người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, hàng trăm nghìn doanh nghiệp - bao gồm cả những tập đoàn biểu tượng của nước Mỹ như Apple và Ford Motors - đóng cửa vô thời hạn.

Nhưng Phố Wall vẫn rộn rã. “Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán vậy?”, chuyên gia kinh tế Neil Irwin - tác giả cuốn How to Win in a Winner-Take-All-World - đặt câu hỏi trên New York Times.

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ tạo thành 2 bức tranh khác biệt trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: CNBC, New York Times.

Phố Wall rộn rã

Vào thời điểm đó, thương mại Mỹ hoàn toàn tê liệt đến mức không thể hình dung nổi. Tuy nhiên, chuyên gia Neil Irwin giải thích cùng lúc đó, các nhà đầu tư Phố Wall đặt cược rằng chính quyền Washington sẽ can thiệp quyết liệt đến mức đa số công ty lớn sẽ vượt qua dịch Covid-19 một cách tương đối lành lặn.


Bằng chứng là các gói cho vay hàng nghìn tỷ USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố. Ông Irwin mô tả đó là một cuộc đấu giữa nền kinh tế sụp đổ và chiếc máy in tiền khổng lồ đang hoạt động hết công suất của Washington. Trên thị trường chứng khoán, âm thanh ròn rã của chiếc máy in tiền đã thắng thế.

Nghịch lý là chuyên gia Gene Goldman, Giám đốc Đầu tư của Cetera Investment Management, nhận định số người thất nghiệp kỷ lục lại là tin tích cực với Phố Wall, bởi tình trạng này sẽ càng gây sức ép chính trị lên Quốc hội Mỹ, buộc cơ quan này mở rộng các biện pháp giải cứu.

Ngay cả với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, rất khó để đưa ra một quyết định sai lầm. Họ chỉ cần chọn bất kỳ một cổ phiếu và đợi nó tăng giá.

Nhà báo Allison Morrow của CNN

“Bất kỳ nghị sĩ nào, thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, cũng đều phát hoảng trước tin hàng chục triệu người thất nghiệp. Họ sẽ chịu áp lực ủng hộ các gói kích thích đắt giá tiếp theo”, ông Goldman khẳng định.


Ngoài bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng, Fed cũng hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu.

Việc lãi suất rơi xuống mức thấp khiến chi phí cơ hội của các khoản đầu tư giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư tìm đến những tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu meme và tiền mã hóa.


"Ngay cả với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, rất khó để đưa ra một quyết định sai lầm. Họ chỉ cần chọn bất kỳ một cổ phiếu và đợi nó tăng giá", nhà báo Allison Morrow của CNN viết.


CNN chỉ ra trong 2 năm qua, khoảng 20 triệu người đã bắt đầu đầu tư chứng khoán. Theo một cuộc khảo sát năm 2021, những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường vào năm 2020 chiếm tới 15% tổng số nhà đầu tư trên thị trường.

"Các nhà đầu tư đã mua điên cuồng những cổ phiếu meme, SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt), NFT (token không thể thay thế). Giờ, chúng ta đang chứng kiến làn sóng bán tháo điên cuồng không kém", ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư của BNY Mellon Wealth Management, bình luận.

Tình thế đảo ngược

Các biện pháp của Fed phát huy tác dụng. Nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ, cùng với tác động của những "biến số" bên ngoài, đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Đà tăng trưởng phi mã trong thời kỳ đại dịch của thị trường chứng khoán chuyển thành cú rơi sau khi Fed khóa van.

Thị trường chứng khoán trồi sụt theo từng động thái của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3 điểm phần trăm kể từ đầu năm, đưa lãi suất lên 3-3,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Cùng lúc đó, chỉ số S&P 500 đã giảm 24,7% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ lao dốc 33,36%, còn chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt giảm 19,54%.

Lần này, thị trường chứng khoán không chỉ không tăng theo, mà còn biến động ngược chiều với những thông tin tích cực của nền kinh tế. Bởi Fed sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để hạ nhiệt lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc một khi kinh tế vẫn mạnh mẽ, Fed sẽ còn tiếp tục hành động.

Tin tốt của nền kinh tế Mỹ trở thành tin xấu với Phố Wall. Ảnh: Reuters.

Minh chứng gần nhất là báo cáo việc làm mới được Bộ Lao động Mỹ công bố. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 thấp hơn mức dự báo, tăng trưởng bảng lương phi nông nghiệp đạt 263.000, thu nhập trung bình tính theo giờ tăng 5% so với cách đây một năm.

Sau báo cáo việc làm của Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch cuối tuần với mức giảm 2,11%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc lần lượt 2,8% và 3,8%.

Những gì thường được coi là "tin tốt" giờ trở thành tin xấu với Phố Wall. Bởi theo ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial, điều này khiến kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 càng trở nên chắc chắn hơn.

Điều này khiến kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 10 càng trở nên chắc chắn hơn.

Ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial

Cách đây 2 năm, khi dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ, ông Irwin nhận định nền kinh tế Mỹ và Phố Wall đang ở 2 thái cực: một rơi tự do, một vẫn sống khỏe. Giờ đây, cả hai dường như đã đổi chỗ.

Ngoài ra, theo ông Irwin, trên thực tế, giá cổ phiếu luôn dao động dựa vào tình hình tương lai chứ không phải hiện tại. Trong Đại suy thoái 2009, giá cổ phiếu rơi xuống đáy vào tháng 3 rồi tăng trở lại. Nhưng nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng trở lại từ tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp mãi tới tháng 10 mới đạt đỉnh.

Trong thời kỳ đại dịch, các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Còn ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư lo ngại bóng ma suy thoái sẽ phủ bóng lên Mỹ và nền kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất.


Mới đây, ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - cho rằng nền kinh tế Mỹ "vẫn đang hoạt động tốt". "Nhưng các vị không thể bình luận về nền kinh tế mà không xét đến bức tranh tương lai. Và vấn đề rất nghiêm trọng", ông Dimon cảnh báo. Theo vị CEO , những thách thức nghiêm trọng có thể đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa.

Thảo Cao

Chia sẻ Facebook