Chứng khoán chốt phiên giảm trên 68 điểm, các chuyên gia phân tích gì?
Sau thời gian dài "gồng" lỗ, nhà đầu tư lại phải chứng kiến VN-Index có lúc giảm hơn 80 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 25-4. VN-Index bị giảm gần 218 điểm kể từ khi lập đỉnh lịch sử vào đầu năm. Chuyện gì xảy ra và phải làm gì tiếp theo?
Mặc dù nhiều công ty chứng khoán đều dự báo chỉ số VN-Index có thể tiếp tục kéo dài đà giảm ở phiên giao dịch hôm nay 25-4, nhưng mức giảm thực tế lại sâu hơn rất nhiều so với dự báo. Trong phiên chiều, có lúc chỉ số VN-Index giảm hơn 80 điểm - mức giảm kỷ lục được ghi nhận khi phiên giao dịch đang diễn ra.
Dù vậy, đến gần cuối phiên đã xuất hiện dòng tiền được đổ vào để mua cổ phiếu giá rẻ, giúp chỉ số VN-Index rút ngắn mức giảm xuống 68,31 điểm (giảm 4,95%), lùi về mốc 1.310,92 điểm khi đóng cửa. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 30-7-2021, giảm gần 218 điểm kể từ khi lập đỉnh lịch sử vào hồi đầu năm nay.
Trong vòng ba năm trở lại đây, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, thị trường chứng khoán đã liên tục biến động mạnh.
Về xu thế bán, đầu tiên phải kể đến phiên giao dịch ngày 9-3-2020, chỉ số VN-Index bị giảm gần 56 điểm (giảm 6,28%) xuống 835,49 điểm, trong bối cảnh làn sóng đại dịch COVID-19 lần đầu ập đến. Đây cũng là phiên giao dịch có tỉ lệ phần trăm giảm sâu nhất từ trước đến nay.
Ở phiên giao dịch 19-1-2021, thị trường chứng khoán cũng từng chứng kiến chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 75 điểm, nhưng rồi chốt phiên ở việc giảm gần 61 điểm (-5,11%) xuống còn 1.131 điểm.
Như vậy, so với những đợt giảm mạnh nổi bật ở năm 2020 và năm 2021, đợt giảm trong hôm nay vẫn chưa khốc liệt bằng (tính theo tỉ lệ phần trăm giảm điểm).
Bám sát diễn biến giao dịch hôm nay, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Bùi Văn Huy - giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) - lý giải ở phiên chiều áp lực bán mạnh và quyết liệt hơn, nhà đầu tư và cả môi giới đều cảm thấy thị trường không hồi nổi.
Ngoài ra, ông Huy cũng cho biết sang năm 2022, đại dịch đã được kiểm soát dần và cuộc sống cũng ổn định hơn trước. Khi tâm lý không còn sôi nổi như trước, không còn lý do ở lại, dòng tiền trước kia từ đâu chảy vào chứng khoán thì nay sẽ bị nhà đầu tư đưa về lại chỗ cũ (bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm...).
Nhìn vào giá trị giao dịch chứng khoán gần đây cũng có thể thấy dòng tiền bị rút ra âm thầm. Vì vậy, phiên giảm mạnh hôm nay mang yếu tố phân bổ vốn đầu tư ở các kênh, nhiều hơn là yếu tố margin call (gọi ký quỹ) và force sell (bán giải chấp).
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán thế giới cũng không thuận lợi, gây áp lực. Đặc biệt, sau khi nghỉ lễ 4 ngày sắp tới đây, thị trường ngay lập tức phải đối mặt với kỳ họp tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), dự báo sẽ có những quyết định nâng lãi suất dứt khoát.
Với những diễn biến trên, điều quan trọng nhất lúc này là nhà đầu tư phải ưu tiên quản trị rủi ro, bảo vệ tài sản, vì nếu lỗ nhiều quá sẽ khó gỡ lại. Nhà đầu tư ngắn hạn không nên "dò đáy" hay "bắt đáy" bằng mọi giá. Riêng nhà đầu tư dài hạn, có hiểu biết về doanh nghiệp, thì có thể chọn thời điểm cổ phiếu tốt bị giảm giá để mua.
"Thị trường có nhịp tăng mạnh thì cũng có nhịp giảm sâu. Cơn bão đi qua, sẽ có người rời bỏ cuộc chơi, có người ở lại, đó là chuyện bình thường. Nhưng còn tiền là còn cơ hội để trở lại và kiếm lời khi thị trường bình ổn hơn", ông Huy nói.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT - nhận định, ở phiên giao dịch chiều nay, thị trường trải qua đợt bán tháo chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Động thái cắt lỗ hàng loạt này diễn ra khi tâm lý đã tới mức cùng cực của sự chịu đựng.
Mặc dù thị trường chung chìm trong "chảo lửa", nhưng vẫn xuất hiện điểm sáng, đó là lực cầu mua vào cổ phiếu vào gần cuối phiên, dù khá mỏng. Hoạt động mua vào này lại đến từ nhóm tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài - nhóm có yếu tố chuyên nghiệp trong đầu tư, tâm lý vững vàng hơn.
Chốt phiên hôm nay, riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 240 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành phiên thứ năm mua ròng liên tiếp với tổng giá trị xấp xỉ 2.900 tỉ đồng.
Các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam cực chặt, nhưng khâu kiểm soát hậu lên sàn lại lỏng lẻo. Nghịch lý này không chỉ khiến doanh nghiệp start-up bị "bít cửa", mà còn khiến dễ thao túng thị trường.