Chứng khoán Apec lỗ gần 200 tỷ đồng, nhân sự sụt giảm

Chia sẻ Facebook
24/01/2024 04:01:23

Danh mục tự doanh của Chứng khoán Apec không mấy khởi sắc khi công ty lỗ 126 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu API và 66 tỷ đồng tại cổ phiếu IDJ.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec - HNX: APS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với kết quả kinh doanh kém sáng.

Theo đó, doanh thu hoạt động của APS đạt 27,6 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ; phần giảm chủ yếu là lãi từ các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đi lùi 72% xuống 19,7 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và hoạt động môi giới lần lượt giảm 39% và 9%, còn 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Duy nhất mảng tư vấn tài chính tăng trưởng từ 528 triệu đồng lên 1,1 tỷ đồng, tuy nhiên lại không tác động nhiều đến kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 91% so với cùng kỳ xuống 24 tỷ đồng; lỗ từ các tài sản FVTPL giảm từ 263 tỷ đồng xuống 22 tỷ đồng.

Cấn trừ đi các chi phí, APS báo lỗ sau thuế 3,6 tỷ đồng, dù vậy con số này cũng cải thiện so với khoản lỗ 151,6 tỷ đồng cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu hoạt động của APS đạt 404,7 tỷ đồng, nhích 3% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế gần 171  tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 449 tỷ đồng.

Như vậy, so với mục tiêu năm 2023 đem về 855 tỷ đồng doanh thu và 229,6 tỷ đồng lãi sau thuế, APS đã thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và cách xa chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của APS ghi nhận ở mức 810,8 tỷ đồng, thu hẹp 17% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay hoạt động margin giảm 16% xuống còn 138 tỷ đồng.

Trong năm, nhân sự của công ty tiếp tục sụt giảm. Số nhân sự tại ngày 31/12/2023 chỉ còn 38 người, giảm 25 nhân sự so với đầu năm.

Cuối năm 2023, các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) có giá trị mua hơn 653,3 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ ghi nhận 234,6 tỷ đồng, như vậy công ty đang lỗ 198 tỷ đồng ở danh mục này.

Khoản lỗ chủ yếu ở hai cổ phiếu “họ Apec” là API và IDJ khi có giá gốc lần lượt 188,8 tỷ đồng và 169,8 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị hợp lý của cổ phiếu API chỉ là 63,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 126 tỷ đồng và giá trị hợp lý tại cổ phiếu IDJ là 103,5 tỷ đồng, tương ứng lỗ 66 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 8/6/2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Cựu Tổng Giám đốc APS cho hay "Đến thời điểm hiện tại công ty đã lãi tới 260 tỷ đồng khi đầu tư vào hai cổ phiếu IDJ và API, nếu giữ đến cuối năm có thể lãi khoảng 400 – 500 tỷ đồng".

Tuy nhiên, sau thông tin Cơ quan an ninh điều tra - Công an Tp.Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty Cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)”, bộ ba cổ phiếu này chịu áp lực bán mạnh khi “trắng” thanh khoản bên mua với lượng cổ phiếu dư bán sàn lên tới hàng triệu đơn vị.

Diễn biến thị giá cổ phiếu APS (Nguồn: FireAnt).

Trên thị trường chứng khoán, thời điểm có thông tin khởi tố, bắt tạm giam, cả ba cổ phiếu này đều giao dịch quanh vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện bộ 3 này đã "bốc hơi" 40% thị giá xuống vùng giao dịch 6.000 đồng/cổ phiếu sau hơn nửa năm.


Vào cuối tháng 6/2023, bộ ba cổ phiếu APS, IDJ, API thuộc họ Apec được quan tâm khi Công an Thành phố Hà Nội đã thông tin về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán; khởi tố, bắt tạm giam đối với các lãnh đạo về tội Thao túng thị trường chứng khoán .

Chia sẻ Facebook