Chưa thể loại trừ COVID-19, vaccine vẫn là chiến lược quan trọng nhất
Hầu hết nghiên cứu cũng nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19.
Sáng 6/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, virus SAR-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10), Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 đánh giá: "Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19".
Trước đó, tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại, đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.
WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
WHO nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam đang thực hiện một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19. Hiện chưa có các kết quả chính thức, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để tham khảo, triển khai hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ tư đến thứ sáu (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ sáu còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch, đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong Kết luận 42, ngày 20/10, Trung ương vẫn xác định phải phòng, chống dịch COVID-19 tốt hơn nữa để có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong khi, WHO cảnh báo, COVID-19 vẫn trong giai đoạn đại dịch. Ở trong nước, cùng với dịch COVID-19, xuất hiện một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ. Do đó, Ban Chỉ đạo tổ chức phiên họp thứ 18 để đánh giá tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh phát sinh khác.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá công tác tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân, cùng với đánh giá kết quả, hiệu quả cần xác định rõ hạn chế, yếu kém và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vấn đề này; thảo luận việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, "nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên"; đánh giá việc dịch chuyển nhân lực trong ngành y tế, chỉ rõ số nhân lực dịch chuyển và cả số tuyển mới chứ không chỉ nêu số người xin nghỉ...
"Phải chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong các vấn đề trên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đến ngày 30/10/2022, trên thế giới ghi nhận hơn 635,3 triệu ca mắc COVID-19, hơn 6,59 triệu trường hợp tử vong. Trong 7 ngày vừa qua, có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao, từ 100 ca trở lên, cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Ở nước ta, đến nay, ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (chiếm 92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (chiếm 0,38%).