Chưa thể “chốt” giá bán điện cho EVN, 23 nhà đầu tư điện tái tạo cầu cứu
Các nhà đầu tư dù đã nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán giá điện với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC) nhưng vẫn chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán. Sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi, nhiều doanh nghiệp cho biết sắp phá sản và lãng phí hàng chục nghìn tỷ đầu tư vào điện tái tạo (gió, mặt trời).
Theo đó, 23 nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị tiếp tục giải quyết vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đưa tin.
Các doanh nghiệp cho biết, tính đến nay đã có 28 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC).
Tuy nhiên, EVN-EPTC từ chối nhiều nhà đầu tư với lý do hồ sơ chưa đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện.
Để tránh lãng phí nguồn lực, các nhà đầu tư này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương sớm ban hành các quy định. Đồng thời, các nhà đầu tư đề xuất trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong ba phương án sau:
Phương án thứ nhất, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố.
Phương án thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).
Phương án thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư. Đề xuất này được đưa ra dựa trên căn cứ theo cơ sở kỹ thuật, ví dụ đối với các nhà máy điện gió trên đất liền hoặc nhà máy điện gió trên biển, theo quy chuẩn kỹ thuật vận hành tuabin và nhà máy điện gió, thời gian vận hành tiêu chuẩn tối thiểu là 25 năm.
Bảng giá điện sinh hoạt mới: Mức cao nhất vượt hơn 3.000 đồng/kWh
Về phía EVN, tập đoàn này đưa ra mức giá tạm thời là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện, tương đương mức giá cho điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).
Các doanh nghiệp đánh giá: “Mức giá trên đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ…”
Dẫn chứng một dự án quy mô công suất 50 MW, chi phí đầu tư ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng với cấu trúc vốn vay 70%, nhà đầu tư tính toán.
Với lãi suất hiện tại khoảng 12%/năm, sản lượng trung bình xấp xỉ 140GWh (tương đương hệ số công suất 32%), nếu áp dụng giá tạm đề xuất nêu trên, doanh thu chưa đạt tới 130 tỷ đồng mỗi năm.
Các nhà đầu tư nói trên cho biết: “Chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp khoảng 30 tỷ đồng (50.000-100.000 USD/tuabin) và lãi vay phát sinh gần 170 tỷ đồng” .
Do vậy, doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án điện gió, điện mặt trời tiếp tục kêu gọi Chính phủ, lãnh đạo Bộ,… nhanh chóng giải quyết khó khăn để đưa nguồn điện tái tạo vào phát điện, giảm lãnh phí.
Theo báo Việt Nam Net , Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: Các mức giá trần của Quyết định 21 của Bộ Công Thương năm 2023 thể hiện mức giảm 20-25% so với các mức giá FiT trước đó (đối với điện gió, dựa trên tỷ giá hiện tại) và giảm gần 40% đối với điện mặt trời nối đất.
Các dự án chuyển đổi đã được xây dựng có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các mức giá này.
“Bộ Công Thương nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập để kiểm chứng các giả định và phương pháp luận đưa ra trước khi hoàn thiện các khung giá” , hiệp hội này nêu ý kiến.
Trọng Minh
Chờ đợi 2 năm, 34 nhà máy điện tái tạo chưa thể bán điện cho EVN
Hiện 34 nhà máy điện tái tạo (gió, mặt trời) đã hoàn thành nhưng chưa được phát điện. Nguyên nhân chính là vì thiếu cơ chế bán điện cho Tập đoàn EVN.