Chưa thấy hồi kết cho sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới
Đối với các nhà giao dịch trái phiếu, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng không phải là điều gì khó dự đoán. Nhưng chính những biến động ngắn hạn này đang khiến thị trường trái phiếu toàn cầu lo lắng.
Chưa thấy hồi kết cho sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới
Chuỗi ngày biến động liên tục
Thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới, Mỹ, đang bị đảo lộn bởi chuỗi ngày biến động liên tục và dài nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008, phá vỡ hoàn toàn sự ổn định thường thấy trong suốt thời kỳ lãi suất thấp trước đây. Tâm lý không chắc chắn, yếu tố kích thích sự hỗn loạn ấy, dường như sẽ không sớm biến mất, bởi lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất và Phố Wall gặp khó khi đánh giá sự bền vững trong khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết quả, các nhà quản lý tài sản nhận thấy thời kỳ hỗn loạn này sẽ không sớm kết thúc.
Anwiti Bahuguna, Giám đốc danh mục đầu tư và trưởng bộ phận chiến lược đa tài sản tại Columbia Threadneedle, cho biết: “Mức độ biến động của thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục tăng cao trong 6 - 12 tháng tới. Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất vào năm tới và chỉ tiếp tục nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn dự kiến”.
Việc thị trường trái phiếu biến động liên tục khiến một số nhà đầu tư lớn phải đứng bên ngoài quan sát và rút tiền mặt ra khỏi thị trường sau khi ghi nhận mức lỗ hàng năm lớn nhất kể từ ít nhất đầu những năm 1970.
Ngày 20/10, các chuyên gia phân tích của Bank of America Corp. cảnh báo rằng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 03/2020, khiến tài sản này càng dễ sụp đổ.
Sau khi liên tục giảm trong giai đoạn tháng 06/2022 đến đầu tháng 08/2022, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trở lại khi lạm phát lên cao nhất kể từ năm 1982 vào tháng 09/2022, trong khi thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Những con số này cùng với bình luận từ giới chức Fed khiến thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ đẩy lãi suất lên đỉnh gần 5% vào đầu năm sau, từ mức 3 – 3.25% hiện nay.
Các dữ liệu kinh tế chuẩn bị được công bố trong tuần này được cho là sẽ không làm thay đổi triển vọng đó. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ được dự đoán tăng 6.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 09/2022 và tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 2.1% trong quý 3/2022 sau khi giảm trong quý trước đó.
Phần lớn thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 0.75% trong cuộc họp ngày 02/11. Kỳ vọng này đang đặt ra câu hỏi về việc chính sách tiền tệ sẽ ra sao trong năm tới. Hiện vẫn còn nhiều tranh luận về việc cuối cùng lãi suất của Fed sẽ cao đến mức nào và liệu điều đó có khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái hay không, đặc biệt là trước những rủi ro ngày càng lớn về tình trạng suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đều siết chính sách.
Tâm lý không chắc chắn được nhận thấy rất rõ trong phiên 21/10, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng và chỉ giảm 0.16% sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng Fed có khả năng sẽ thảo luận về kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 11.
Steve Bartolini, Giám đốc danh mục tài sản có thu nhập cố định tại T. Rowe Price, cho biết: “Nếu họ tạm dừng tăng lãi suất sau khi lạm phát giảm và kinh tế chậm lại, biến động thị trường sẽ giảm theo. Mức độ biến động sẽ giảm vào ngày Fed tạm dừng, song chúng tôi nghĩ không có khả năng thị trường quay thời kỳ biến động thấp của những năm 2010”.
Cơ hội để xây dựng lại danh mục tài sản?
Mặc dù mức độ biến động cao có thể mang lại cơ hội mua vào, nhưng bất kỳ nỗ lực nào để tạo đáy đều bị phá hỏng khi lợi suất tăng cao hơn. Hơn nữa, các nhà đầu tư đều biết rằng các cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính sau khi thời kỳ thắt chặt tiền tệ quá mức trong quá khứ có liên quan đến việc mức độ biến động tăng đột biến”.
Theo Bob Miller, người đứng đầu bộ phận tài sản có thu nhập cố định của BlackRock Inc., những khoản đầu tư tài chính sử dụng đòn bẩy được thực hiện trong thời kỳ lạm phát, lãi suất và mức độ biến động thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nhưng đối với các nhà đầu tư khác, họ sẽ có cơ hội tận dụng sự hỗn loạn trên thị trường để xây dựng danh mục tài sản có thu nhập cố định với lợi suất hấp dẫn trên 5%.
Tuy nhiên, ông dự đoán thị trường sẽ tiếp tục bị xáo trộn bởi biến động giá cả. Miller nói: “Đây rõ ràng là thời kỳ biến động mạnh nhất kể từ năm 1987, nếu không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta sẽ không sớm quay trở lại thời kỳ như thập kỷ trước”.
Kim Dung (Theo Bloomberg)