Chưa phải lúc để Fed ăn mừng chiến thắng
Lạm phát hiện đã giảm, người Mỹ sẽ dần cảm thấy mọi thứ đang trở nên tốt hơn, và nền kinh tế số 1 thế giới đang trên đà đạt được cú “hạ cánh mềm”.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cao sẽ tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất mang tính lịch sử của mình vào tháng tới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã sẵn sàng thảo luận về việc hạ lãi suất.
Kể từ tháng 7, lãi suất quỹ liên bang đã giữ ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm, từ 5,25-5,5%, mức mà các nhà hoạch định chính sách mô tả là “hạn chế” đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp khi Ngân hàng Trung ương của Mỹ tìm cách hạ nhiệt lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các quan chức Fed đang đối mặt đồng thời 2 câu hỏi quan trọng: Liệu lãi suất hiện nay có đủ cao để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% hay không, và lãi suất phải được duy trì ở mức “hạn chế vừa đủ” trong bao lâu.
Những câu hỏi đó sẽ vẫn chưa được trả lời khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) triệu tập vào giữa tháng 12 tới cho cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023.
Các quan chức Fed vẫn để ngỏ khả năng siết chặt chính sách hơn, trong khi tránh nói đến khả năng cắt giảm lãi suất. Nhưng các tín hiệu kinh tế ngày càng cho thấy không lâu nữa họ sẽ phải bắt đầu các cuộc tranh luận theo hướng này.
Mọi thứ đang trở nên tốt hơn…
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 30/11 cho biết, bà tin rằng nền kinh tế Mỹ không cần thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn nữa để kiểm soát lạm phát và đang trên đà đạt được cú “hạ cánh mềm” với chỉ số lành mạnh về thị trường lao động.
Bà Yellen nói với các phóng viên sau bài phát biểu tại một nhà máy chế biến lithium ở Bắc Carolina rằng, trước đây Fed đôi khi phải thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đủ để ngăn chặn lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế và gây ra suy thoái.
“Bây giờ chúng ta không cần điều đó nữa”, bà Yellen nói. “Tôi tin rằng có các dấu hiệu rất tốt cho thấy chúng ta sẽ đạt được cú hạ cánh mềm với tỉ lệ thất nghiệp tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở mức bền vững. Tôi nghĩ chúng ta đang ở điểm giữa cân bằng của những điều này”.
Theo bà Yellen, “lạm phát hiện đã giảm” với giá một số hàng hóa cao, chẳng hạn như trứng, trở lại mức trước đại dịch. Bà nói: “Và giờ đây, mức tăng lương đang thực sự chuyển thành thu nhập thực tế cao hơn. Vì vậy, tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ dần dần thấy rằng mọi thứ đang trở nên tốt hơn”.
Có lẽ tín hiệu đáng khích lệ nhất đến từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10, cho thấy lạm phát hàng năm ở Mỹ đã giảm xuống mức 3,2% – giảm nhiều hơn mức các nhà phân tích dự kiến – do đà tăng của giá cả đã chậm lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng trong những tuần gần đây khi lãi suất dài hạn giảm. Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng đó giống như một lời nhắc nhở rằng các nhà hoạch định chính sách phải cẩn thận khi dựa vào công cụ lãi suất để làm việc của mình.
Đà tăng của thị trường đã được tiếp thêm động lực trong tuần này sau khi ông Waller hôm 28/11 cho biết ông ngày càng tin tưởng rằng chính sách tiền tệ đã ở đúng vị trí để đạt được mục tiêu của Fed, và cho rằng lãi suất có thể giảm nếu lạm phát ở mức “vừa phải” trong vài tháng nữa.
Hiện tại, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai đang đặt cược rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 5/2024, và lãi suất chính sách sẽ dao động quanh mức 4% vào cuối năm tới, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với mức hiện tại.
…Nhưng chưa phải lúc để ăn mừng chiến thắng
Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ thực sự không chắc chắn về việc lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh như thế nào và liệu chuỗi dữ liệu tốt hơn mong đợi gần đây có chỉ là thoáng qua hay không – như trường hợp của năm 2021 – hay liệu tăng trưởng giá tiêu dùng có neo ở mức cao không thể chấp nhận được.
Ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, hôm 29/11 đã cảnh báo rằng nếu lạm phát có vẻ bùng phát trở lại, lựa chọn điều chỉnh lãi suất nhiều hơn là không tránh khỏi.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tháng này đã để ngỏ khả năng thắt chặt chính sách hơn nữa, ra tín hiệu cảnh giác về việc một lần nữa bị “đánh lừa” bởi những tin tức tích cực về lạm phát.
“Đây chắc chắn chưa phải là lúc để ăn mừng chiến thắng”, ông John Roberts, người đã làm việc 35 năm tại Fed cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2021, cho biết.
Việc Fed do dự tuyên bố chính thức chấm dứt kỷ nguyên tăng lãi suất và bắt đầu bàn đến việc hạ lãi suất, một phần xuất phát từ lo ngại rằng làm như vậy có thể tạo ra một làn sóng nới lỏng các điều kiện tài chính làm suy yếu nỗ lực kiềm chế áp lực về giá mà họ đã xây dựng được trong suốt năm qua.
Tuy nhiên, các quan chức vẫn không thể phủ nhận rằng dữ liệu bắt đầu cho thấy họ có thể đã làm đủ để điều tiết nền kinh tế. Chi tiêu của người tiêu dùng, cùng với hoạt động kinh doanh trên cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã bắt đầu hạ nhiệt. Nhu cầu nhân lực cũng giảm xuống mà không gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trên thị trường lao động.
Chủ tịch Fed Powell đã gợi ý vào tháng 9 rằng việc cắt giảm lãi suất có thể được tính đến khi lạm phát ở mức vừa phải. Sự điều chỉnh như vậy có thể giống với một loạt đợt cắt giảm lãi suất mà Fed đã thực hiện trong 3 cuộc họp vào năm 2019 – được gọi là “điều chỉnh giữa chu kỳ” – nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.
Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank (Đức) hiện dự báo Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất chính sách vào tháng 6 tới, giảm tổng cộng 1,75 điểm phần trăm vào cuối năm, khi nền kinh tế bước vào một cuộc suy thoái “nhẹ” trong nửa đầu năm 2024.
UBS (Thụy Sĩ) cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ ổn định ở mức khoảng 0,3% trong năm tới và dự kiến việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 3 năm sau .
Minh Đức (Theo Financial Times, Reuters)