Chưa ‘chuẩn hóa thông tin’, hơn 1 triệu thuê bao sẽ bị thu hồi?

Chia sẻ Facebook
02/05/2023 11:02:21

Sau 2 đợt lần lượt khóa chiều gọi đi và gọi đến, nếu lộ trình không thay đổi, ngày 15/5 tới, khoảng hơn 1 triệu thuê bao điện thoại di động (SIM) chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chính thức bị thu hồi số.

SIM số đẹp được rao bán trên vỉa hè Hà Nội, tháng 3/2016. (Ảnh minh họa: Asia Images/Shutterstock)

Thông tin trên do Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Cục Viễn thông cho hay tính đến cuối tháng 4/2023, sau khi các nhà mạng tiến hành khóa các chiều gọi đi và đến đối với 1,1 triệu SIM điện thoại di động sau 2 đợt thông báo, chỉ có hơn 83.000 thuê bao bị khóa hai chiều thực hiện bổ sung việc chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Con số này chỉ chiếm khoảng 7,2% trong tổng số 1,15 triệu thuê bao bị khóa nghe gọi sau ngày 15/4.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, còn hơn 1 triệu thuê bao chưa có “động tĩnh” dù đang bị nhà mạng khóa cả chiều nghe lẫn chiều gọi đi.  Theo lộ trình đã công bố của Cục Viễn thông, các thuê bao này sẽ bị thu hồi số nếu sau ngày 15/5 chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin.

Theo thông tin từ các nhà mạng, sau thời điểm bị khóa hai chiều, khách hàng có thể tiếp tục đăng ký chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cách đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng. Khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu… khi đến giao dịch. Nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin thì sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa 2 chiều.

Dẫn lời một đại diện nhà mạng, theo báo Thanh Niên, khả năng có khoảng 1 triệu SIM sẽ bị thu hồi. Người này nhận định rằng số SIM này rất có thể là những SIM thứ 2 của người dùng, do đó khả năng họ đi chuẩn hóa thông tin cá nhân không cao, hoặc cũng có thể là SIM đã kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối của các đại lý.

Đối với việc khôi phục lại số thuê bao sau khi bị thu hồi ngày 15/5, một số nhà mạng cho biết số bị thu hồi sẽ đưa về kho số, tái cung cấp cho các hệ thống phân phối. Trong trường hợp khách hàng muốn sử dụng lại thuê bao trước đó thì cần phải tra xem đã có người mới đăng ký hay chưa; không thể tái cấp nếu đã có người khác đăng ký sử dụng.

Theo một thống kê do ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hồi cuối tháng 10/2022, có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM trên cả nước.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Long cho rằng một số người lợi dụng luật không hạn chế cá nhân sở hữu số lượng SIM nên đăng ký nhiều SIM để bán ra thị trường. Ngoài ra, còn vấn đề về  lỗ hổng trong quy trình quản lý khi một số đại lý ủy quyền làm nhiệm vụ cập nhật thông tin cá nhân người dùng lại dùng thông tin người dùng đó cho nhiều SIM.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đối với hành vi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao…

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng mức xử phạt chưa đủ răn đe. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ nghiên cứu triển khai lại hành lang pháp lý để tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi này.


Nguyễn Minh

Chia sẻ Facebook