Chưa bao giờ để "cháy" tài khoản, chuyên gia bật mí đây là nhân tố mà nhà đầu tư phải luôn ghi trong đầu

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 21:44:55

Anh Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc đầu tư CTCP Đầu tư Finpros, cho rằng: Nguyên nhân khiến mọi người dễ bị “cháy tài khoản” là vì quá bận tâm tới những khoản lỗ trước đó. Mà càng tìm cách “gỡ” thì họ lại càng dễ gặp nhiều rủi ro hơn.

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh FIFA World Cup 2022 đã chính thức bắt đầu, thu hút sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ bóng đá trong đó có không ít các nhà đầu tư. Thông thường, các kỳ World Cup thường diễn ra vào tháng 6 - 7, khoảng thời gian nhạy cảm sau giai đoạn "Sell in May" và trước mùa báo cáo tài chính quý 2 hàng năm.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có các chỉ số không mấy khả quan. Theo nghiên cứu, chỉ số VN-Index đã giảm 4/5 mùa World Cup gần nhất, trừ World Cup 2014 tại Brazil.

Tuy nhiên, bối cảnh năm nay lại khác hoàn toàn, khi World Cup 2022 được tổ chức vào mùa đông thay vì những mùa hè rực lửa như những lần trước. Mặc dù thực tế không có mối liên hệ chính thức nào giữa thời gian diễn ra World Cup và sự biến động của thị trường, các chứng sỹ vẫn kỳ vọng, với sự thay đổi về thời gian tổ chức năm nay, thị trường cũng sẽ có màn "phá dớp" mang lại tín hiệu tích cực cho tài khoản của các nhà đầu tư.

Trong chương trình Bí Mật Đồng Tiền số 48 với chủ đề "Cháy" cùng World Cup", Host Ngọc Trinh đã tiết lộ anh Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc đầu tư CTCP Đầu tư Finpros là người chưa bao giờ "cháy tài khoản". Điều này khiến cô đặt ra câu hỏi: "Liệu đó có phải một biểu hiện của việc an toàn quá hay không?"

Chia sẻ về điều này, chuyên gia Thanh Tùng cho biết: "Đây là kết quả đến từ những kinh nghiệm mà tôi tích lũy được từ những ngày đầu tham gia vào thị trường chứng khoán, khi còn là nhân viên của một quỹ đầu tư. Ở đó, ‘cháy tài khoản’ là một điều tuyệt đối không được xảy ra. Họ luôn có những ‘luật’ nghiêm ngặt để hạn chế điều này. Chẳng hạn như khi danh mục đầu tư giảm bao nhiêu phần trăm thì chúng ta phải ngay lập tức cắt lỗ và giảm vị thế của danh mục đó. Nếu danh mục giảm tới 30-35% thì đã cắt toàn bộ về 0. Điều đó có thể khiến bạn không hồi phục lại được, nhưng chắc chắn đảm bảo bạn sẽ không bị ‘cháy’."

"Với đầu tư cá nhân, tôi cho rằng, mọi người dễ ‘cháy’ là vì bận tâm quá nhiều tới những khoản lỗ trước đó. Một người đầu tư 1 tỷ đồng, lỗ 400 triệu, còn 600 triệu thì rất khó có thể ngừng nghĩ đến 400 triệu đã mất đi. Họ sẽ tìm mọi cách để gỡ lại khoản lỗ đó. Nhưng chính tâm lý muốn ‘gỡ gạc’ sẽ khiến họ bị đẩy vào những quyết định có rủi ro rất cao và kết quả thường là mất hết", anh nhận định.

Do đó, Giám đốc đầu tư CTCP Đầu tư Finpros cho rằng, hãy coi những khoản lỗ đó như học phí, dù đau thương nhưng chúng ta bắt buộc phải trả để nhận lại bài học quý giá. Lãi suất và lợi nhuận kỳ vọng của thị trường thường là khoảng 20%/năm, do đó bạn không nên mang tâm lý "liều ăn nhiều".

"Trong trường hợp tệ nhất, bạn nên rút gần hết tiền về, chỉ giữ lại một khoản nhỏ để đầu tư. Từ chính những khoản đầu tư nhỏ có lãi, chúng ta mới bắt đầu tìm về sự bình tĩnh và niềm tin. Sau đó, chúng ta tỉnh táo quan sát, chờ thời điểm thị trường tốt lên thì chúng ta mới quay trở lại", chuyên gia cho biết.

Anh Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI, cũng đưa ra nhận định: "Việc cố gắng ‘gỡ gạc’ có thể hiểu đơn giản là, việc dễ đã không làm được, vậy mà chúng ta còn cố tình làm việc khó hơn. Kết quả thất bại là một điều gần như hiển nhiên và không thể tránh khỏi."

"Đặt trong bối cảnh World Cup như hiện nay, việc quản trị rủi ro giống như vai trò của một thủ môn trên sân cỏ. Cho dù người thủ môn bắt tốt đến mấy, cứu được bao nhiêu bàn thua thì chỉ với một sai lầm, bạn vẫn phải gánh trách nhiệm rất lớn vì chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bàn thua. Do đó, trong đầu tư, mọi người cũng cần tránh mắc sai lầm", anh chia sẻ.

Chia sẻ Facebook