Chưa 30 tuổi đã mắc căn bệnh ung thư phổ biến nhất Việt Nam
Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi đã mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng.
Không chỉ đột quỵ, đái tháo đường mà căn bệnh ung thư dạ dày phổ biến nhất tại Việt Nam vốn trước kia chỉ gặp ở người trên 60 tuổi giờ cũng ngày càng trẻ hoá.
Được đánh giá là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Đáng ngại là nếu như trước kia bệnh thường ghi nhận ở bệnh nhân trên 60 tuổi thì nay nhiều bệnh nhân chưa đến 30 đã phải mổ do mắc căn bệnh này.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân 30 tuổi nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao.
"Không ít người trẻ tình cờ phát hiện ung thư dạ dày dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ”, PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức nói.
Điển hình cho đặc trưng này là trường hợp ca bệnh của anh V.M.C (38 tuổi ở Hà Nội). Theo BS Hà, bệnh nhân C. tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày trong lần khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ đã chỉ định cắt một phần dạ dày để loại bỏ tế bào ung thư cho bệnh nhân C.
"Theo khai thác bệnh sử, anh C. cho biết trước khi phát bệnh, biểu hiệu bệnh của anh rất mơ hồ, đôi khi chỉ là cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu và gần đây thường xuyên bị ợ hơi, sút cân", BS Hà kể lại.
Tương tự một bệnh nhân khác, tên là Đ.T.L. (25 tuổi, ở Hà Nội) uống rượu bia nhiều trong thời gian dài và chế độ ăn uống không hợp lí. Khi đi khám bệnh ở những tuyến dưới, anh L. không phát hiện ra bệnh.
Chỉ đến khi thấy tình trạng đau bụng thượng vị, đầy bụng, chán ăn, gầy sút cân tăng lên anh L. mới đi khám nội soi thì phát hiện ra viêm loét dạ dày nặng có chuyển biến xấu.
Lý giải tình trạng ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, các bác sĩ cho biết do người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…) sớm hơn.
Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K, nhận định, nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại, ti vi...
“Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội tiết. Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư”, BS Hải Nam nhận định.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là lối sống ít vận động.
Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, theo BS Nam, các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lí, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lí, điều độ.
Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh người bệnh cũng cần nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh để có phương án điều trị kịp thời. Bởi trên thực tế, ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ.
Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng như các bệnh ung thư đường tiêu hóa, người bệnh cần được nội soi đường tiêu hóa ngay từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng: Chưa đau, chưa gầy sút…
Với người mắc các lý về bệnh dạ dày/có tiền sử gia đình hoặc người trên 55 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày mỗi năm một lần. Với các trường hợp khác nên nội soi 3 năm/lần.
N. Huyền