Chủ tịch VNDirect: "Không có nỗi đau thì không có bài học, không có bài học thì không thể đón nhận cơ hội lớn hơn trên thị trường"

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 14:22:33

Bà Phạm Minh Hương tin rằng triển vọng kinh tế Việt Nam còn vững vàng, tiềm năng thị trường trong tương lai còn rất lớn.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trước sự tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường vốn cùng với sự khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, giải pháp để gỡ rối cho thanh khoản và triển vọng cho thị trường thời gian tới đang là vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.


Xuất hiện những "tia sáng cuối đường hầm"

Nhìn nhận về bối cảnh hiện tại, tại Dinsight “Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường đầu tư” do VNDirect tổ chức, ban chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đối diện khá nhiều thách thức.

Thứ nhất là môi trường lãi suất cao và tỷ giá áp lực kéo dài. Theo đó, Việt Nam đang có lãi suất huy động tăng nhanh tiệm cận 10%, vốn vay trong nước lên trên hai chữ số và chi phí vay USD tăng cao.

Thứ hai, thanh khoản và dòng vốn trên thị trường gặp khó. Các NTTM đã cạn room tín dụng để cho vay, kênh dẫn vốn từ TPDN cũng bị siết chặt dẫn đến tình trạng tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường vốn. Đồng thời, khủng hoảng niềm tin trên thị trường khiến nhà đầu tư cá nhân tháo chạy khỏi các kênh đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có chính sách để thiết lập một kênh tái cấp vốn để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trên toàn hệ thống.

Thứ ba, tỷ giá và cung tiền. Dòng vốn ngoại rút ròng trên 25 tỷ USD, dự trữ ngoại hối và mức dưới 12 tuần nhập khẩu (mức an toàn được IMF khuyến nghị). Đồng thời, VND cũng mất giá gần 10% từ đầu năm - giai đoạn mất giá mạnh nhất trong 15 năm qua.

Tuy nhận diện những khó khăn, song ban chuyên gia VNDirect cho rằng nhìn về dài hạn vẫn có những “tia sáng nơi cuối đường hầm”. Theo đó, sẽ có nhiều điểm sáng cho nền kinh tế, từ đó hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong dài hạn như:

(1) Nền tảng kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt từ 6-8% và cấu trúc dân số trẻ. (2) Thị trường chứng khoán giảm về mức định giá thấp so với lịch sử và một số doanh nghiệp tốt vẫn duy trì được lợi nhuận khả quan.

(3) Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất trong khu vực khi tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng trong nhiều năm qua. Mặt khác, hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

(4) Chính sách hội nhập, tiên tiến khi Chính phủ đặt nhiều ưu tiên vào phát triển kinh tế xây dựng môi trường thu hút đầu tư. Vị trí chiến lược, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, tham gia vào các hiệp định thương mại quan trọng.

Mặt khác, chuyên gia cho rằng dòng tiền tiết kiệm trong dân vẫn rất lớn, nếu được dẫn vốn đúng hướng sẽ phát huy được kênh huy động vốn cho nền kinh tế mà không bị phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thương mại, vốn chỉ phù hợp với vốn lưu động và tiền gửi thanh toán và ngắn hạn.

Bên cạnh đó, dòng tiền kiều hối, dòng tiền đầu tư FDI, dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.


Tiềm năng thị trường trong tương lai còn rất lớn

Đánh giá về những biến động của thị trường thời gian gần đây, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect cho rằng khi niềm tin đổ vỡ, chứng khoán bị bán giải chấp sẽ dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường. Tuy nhiên, cách tốt nhất để vượt qua là cần có lăng kính quan sát đúng đắn để đối diện vấn đề và đặt tên được cho vấn đề đó.

Trước sự khủng hoảng niềm tin, vị Chủ tịch VNDirect tâm niệm sự màu nhiệm nhất trên cuộc đời là thay đổi và thay đổi để đối diện. Mỗi điều kiện phát triển thị trường bao giờ cũng cho ta những bài học, quan trọng là ứng xử và hành động như thế nào.

Theo bà Phạm Minh Hương, những biến động trên thị trường tài chính - bất động sản chỉ đại diện một phần nhỏ cho nền kinh tế chung, dù ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý thị trường. Trong dài hạn, những biến động cũng là thử thách cần có để mỗi đất nước tìm ra những giải pháp phù hợp để hoàn thiện hơn. Sau cùng, các doanh nghiệp cần “khám” lại sức khoẻ doanh nghiệp mình.

Cũng đưa ra góc nhìn về vấn đề này, ông Soon Su Long - Tổng giám đốc Maybank đánh giá nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng trong dài hạn.

Nhìn lại quá khứ 2011 khi ông Soon Su Long đến Việt Nam, bối cảnh kinh tế rất xấu khi sức khoẻ doanh nghiệp suy yếu trầm trọng, đồng tiền mất giá nhanh và lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, bối cảnh vĩ mô vẫn ổn định và lãi suất tăng cao cũng sẽ sớm hạ nhiệt. Đồng thời, hệ thống ngân hàng hiện vẫn vững mạnh, quản trị rủi ro tốt.

Do đó, Tổng Giám đốc Maybank cho rằng nhà đầu tư không nên hoảng loạn vì nhà điều hành đã nhìn nhận vấn đề và sẽ có giải pháp tháo gỡ. Nhà đầu tư tạm bỏ qua những khó khăn ngắn hạn để có cái nhìn dài hạn hơn về triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ Facebook