Chủ tịch Vĩnh Hoàn (VHC): "Nếu một ngày cá tra được bày lên bàn Sushi, thì tôi có thể vỗ ngực xưng tên đã đạt đến đỉnh cao của ngành!

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:30:31

Phát biểu tại Đại hội, bà Trương Tuyết Hoa, Thành viên HĐQT, cho biết kế hoạch lợi nhuận trình bày tại tăng thêm 100 tỷ đồng so với trước đó do ban lãnh đạo nhận thấy nhu cầu các tháng đầu năm rất tốt, đơn hàng nhận về nhiều, tình hình tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị cũng rất tốt.

Sáng ngày 20/4/2022, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 46% so với thực hiện năm 2021. Với chỉ tiêu trên, Công ty dự chia cổ tức gồm 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu cho cổ đông.

2022 là năm cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng, tổng đầu tư 1.500 tỷ

2022 được HĐQT xác định là năm cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng đã khởi động từ năm trước và một số dự án khác để tăng tốc chiến lược 5 năm 2021-2025. Trong đó, VHC tập trung vào 4 lĩnh vực gồm Vinh Foods, Vinh Wellness, Vinh Agriculture, Vinh Techonology.

Trong đó, Vinh Foods – ngành nghề cốt lõi – Công ty sẽ phát triển trung tâm giống cá tra diện tích 90 ha, khánh thành và đưa hoạt động từ quý 1/2022; mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu thêm 100-150 ha, nâng tỷ lệ tự chủ lên 70%.

Đồng thời, công ty tiến hành mở rộng chuỗi nuôi trồng thủy sản là sản xuất thức ăn cho cá, nhà máy thức ăn thủy sản đặt tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với công suất 350.000 tấn/năm đi vào hoạt động vào tháng 4 sẽ đóng góp đáng kể và lợi nhuận của toàn tập đoàn bắt đầu từ năm 2022....

Trong đó, Vinh Wellness cùng với mảng kinh doanh mới là Vinh Agriculture kết hợp với nhau trong thời gian tới là mảnh ghép giữa năng lực nghiên cứu phát triển sẵn có và nguồn nguyên liệu mới từ rau quả, hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn đã xây dựng và phát triển trong các năm qua.

Sau khi chế biến các sản phẩm rau quả, các sản phẩm phụ như vỏ, vụn sẽ là nguồn chế tạo ra các sản phẩm khác như chất tạo màu thiên nhiên, bột, dầu, bơ. Ngoài ra tại nhà máy Collagen cũng đã cho ra đời các sản phẩm nước trái cây lên men, kẹo gummy hương trái cây, sản phẩm Xavia Collagen, Gelatin sẵn sàng cho các đợt chào hàng và chiến dịch tung hàng trong năm 2022.

Đến nay, Công ty đã thực hiện lễ khởi công xây dựng nhà máy Vinh Agriculture vào đầu năm và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Sản phẩm chính gồm trái cây sấy lạnh, rau củ đông lạnh và trái cây cô đặc, chủ lực sẽ là thanh long, khóm và xoài.

Năm 2021 đã giải ngân 531 tỷ đồng cho các dự án đầu tư

Bà Lê Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ nếu như năm 2020, ngành cá tra "mắc cạn" khi các thị trường xuất khẩu chính bị ảnh hưởng thì năm 2021 gặp khó khăn từ nội tại trước ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước, việc duy trì hoạt động sản xuất gặp khó trước các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, VHC theo bà đã ứng phó linh hoạt dịch bệnh theo từng giai đoạn, giúp sản xuất đáp ứng được 50% công suất rồi nâng dần lên 90%. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng và đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra và tăng 26,3% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 1.099 tỷ đồng, vượt 57 và tăng 53%. Với kết quả này, HĐQT đề xuất chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, đã tạm ứng đủ.

Về công tác đầu tư, năm qua VHC đã giải ngân 531 tỷ đồng cho các dự án đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp giải ngân cho dự án nhà máy thức ăn thủy sản 333 tỷ đồng; trại nuôi cá giống, nhà máy Sa Giang 3 và cải tạo các nhà máy chế biến cá 198 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội, HĐQT trình phát hành không quá 2% vốn điều lệ, tương đương tối đa 3,67 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty với giá 10.000 đồng/cp. Mỗi 12 tháng cán bộ công nhân viên của công ty được chuyển nhượng 20% số ESOP trên.

Ngoài ra, Đại hội còn tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2026. Nhân tố mới trong HĐQT gồm ông Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1982, trình độ Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng và ông Lê Văn Nhật, sinh năm 1990, Cử nhân Công nghệ Thông tin.

Ông Khánh giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Thủy sản Cà Mau, Thành viên HĐQT CTCP Thương nghiệp Cà Mau, Phó Giám đốc phụ trách Chứng khoán Bảo Việt CN Tp.HCM.

Ông Nhật hiện là Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Giải pháp Quy trình Thông Minh (SPS).


Thảo luận tại Đại hội


1. Biên lợi nhuận gộp 2021?

Bà Vi Tâm: Biên lợi nhuận gộp 2021 là 21%. Hiện doanh số chính của VHC là cá phi lê. Song, các nhóm còn lại đóng tỷ trọng thấp hơn như biên tốt hơn theo chính sách theo Đuổi hiện nay như sản phẩm gia tăng, Collagen và Gelatin.


2. Chia sẻ về Sa Giang?

Mua lại xong hì VHC đã xúc tiến đầu tư nhà máy thứ 3, tăng công suất sản phẩm lên 2,5 lần. Hiện, VHC đang hỗ trợ marketing về thương hiệu, để nâng giá bán lên


3. Dây chuyền Collagen hiện ra sao?

Hiện, VHC đã bán ‘full’ công suất nhà máy Galetin, tương đương 250.000-3.000 tấn/năm thành phẩm. Năm 2022, VHC cũng đang lên kế hoạch ‘full’ công suất luôn cả dòng Collagen.


4. Chia sẻ về thị trường Mỹ?

Tại Mỹ thì có sự kiện chống BPG cá tra hơn 20 năm, và VHC thì có lợi thế cũng như đang duy trì khá tốt, để không bị ảnh hưởng nhiều đến giá cuối cùng của Công ty.


5. Chia sẻ về thị trường EU và Trung Quốc?

EU thì VHC có hai lợi chính, thứ nhất là thuế nhập khẩu, nếu trước đây là 5,5% (so với các cá trắng khác là không có thuế) thì hiện đang giảm dần về 0%. Lợi thế thứ 2, do chiến tranh Nga – Ukraine thì nguồn cá thịt trắng bị hạn chế, nên cơ hội của VHC tăng từ khối EU.

Đây không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà dài hạn VHC nhìn từ một số sản phẩm có quy cách đặc biệt, Công ty đang cố gắng đưa cá tra vào làm nguồn đầu vào thay thế. Hiện, một số khách hàng dùng thử và bày tỏ ưng ý, nên Công ty chủ trương cố gắng khai thác được cơ hội dài hạn từ sản phẩm có quy cách đặc biệt này.

Tại thị trường Trung Quốc, bà Lệ Khanh bổ sung hiện không còn nóng như trước do sự kiểm soát chặt chẽ trở lại khi bùng dịch. Dù vậy, có một xu thế dài hạn là Trung Quốc mua sản phẩm cá về và tự chế biến tại sở tại với đa dạng sản phẩm, nên hàng tồn hiện nhiều. Do đó, dù thị trường này giảm nhiệt đáng kể song vẫn tăng trưởng dương.

Theo kỳ vọng, thời gian tới nhu cầu cá thô từ Trung Quốc vẫn rất lớn, đặc biệt khi Trung Quốc hoạt động trở lại sau dịch và hết hàng tồn thì họ sẽ tăng mua trở lại.


6. Làm sao để duy trì được biên lợi nhuận?

VHC khi tự chủ được 70% thì có thể kiểm soát được chất lượng tốt cũng như tiết kiệm chi phí tốt, từ đó duy trì được biên lợi nhuận.

Sau nhiều năm làm, hiện tôi rất tự tin nếu so với các hộ nuôi khác thì sẽ tối ưu được những chi phí mang quy mô doanh nghiệp, cũng như nguồn giống liên tục được cải thiện… nên tính cạnh tranh của VHC rất cao.

Hiện chi phí bao bì… đang tăng. VHC xác định phải làm sao mà chi phí khác tăng nhưng chi phí sản xuất không tăng thì sẽ ổn định được biên lợi nhuận. Công ty đã đầu tư hệ thống để giảm thiểu lao động phổ thông, cải thiện chi phí nước… chủ trương là tận dụng để cắt giảm tối đa các chi phí. Theo kế hoạch, đến 2023 thì VHC sẽ tối ưu được các chi phí này để tăng hiệu suất.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi, bà Khanh cho biết VHC đang tiên phong nghiên cứu để đưa con cá tra lên bàn Sushi. Hiện, vùng nuôi đã làm rồi nên không sửa lại được, khác với Nauy không thể bơm cho ăn tự động, VHC sẽ làm cách khác để cải thiện qua đường thức ăn như đưa men tiêu hoá vào…


Công nghệ còn ít nhất 50% dư địa để cải thiện biên lợi nhuận con cá tra, thông qua thức ăn, nước… "Nếu một ngày cá tra được bày lên bàn Sushi, thì tôi có thể vỗ ngực xưng tên đã đạt đến đỉnh cao của ngành", bà nói.


7. Quan hệ hiện nay với Vạn Đức Tiền Giang?

Bà Lệ Khanh: Quan hệ với Vạn Đức Tiền Giang là VHC đang mua cá về để làm nguồn nguyên liệu.


8. Kế hoạch đầu tư 2022?

Công ty dự kiến đầu tư 1.530 tỷ đồng, bao gồm:

+ 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi;

+ 350 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến bột cá-mỡ cá và Cải tạo nhà máy tại công ty Thanh Bình;

+ 150 tỷ đồng đầu tư thêm 1 line sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại công ty Vĩnh Hoàn Collagen;

+ 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc tại Đồng Tháp;

+ 280 tỷ đồng các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi;

+ và 150 tỷ đồng các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.

Với khâu chế biến, VHC cũng đặt trọng tâm đầu tư cải tạo, mở rộng các nhà máy hiện hữu và có thể xây mới để vượt mốc công suất 1.000 tấn nguyên liệu/ngày, đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường thực phẩm toàn cầu đang ngày càng tăng.


Theo Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook