Chủ tịch Vinatex: Việt Tiến sẽ là doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn nhất khi thị trường có nhiều biến động

Chia sẻ Facebook
29/04/2023 13:08:20

Đây là đánh giá của ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) diễn ra vào 28/04/2023.

Chủ tịch Vinatex: Việt Tiến sẽ là doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn nhất khi thị trường có nhiều biến động


Nhận định về cung cầu dệt may trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ tại Đại hội VGG : “ Cầu dệt may thế giới trong 2 năm 2023-2024 sẽ suy giảm do lượng hàng tồn kho lên cao bởi tình trạng quá mua vào đầu năm 2022. Như vậy có thể nói suốt cả quãng đường mà Việt Tiến là CTCP thì chưa bao giờ đối diện với tình trạng tổng cầu thế giới đi xuống kể cả năm khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.


Trong khi đó, cung dệt may lại tăng đột biến do Trung Quốc mở cửa trở lại từ tháng 3/2023 khiến Việt Nam rơi vào thế khó về mặt chiến lược. Còn về giá cả Việt Nam cũng không có lợi thế khi quý vừa rồi đồng Việt Nam tăng giá 1% và lãi suất vay ngân hàng trong nước cũng gần như gấp đôi so với các nước sản xuất hàng dệt may. Đây là bài toán nhức nhối đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.

Theo đó, Chủ tịch Vinatex đánh giá ngách mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đi là sản xuất linh hoạt các đơn hàng giá trị và yêu cầu kỹ thuật cao. Đồng thời, ông đánh giá trong các đơn vị mà Vinatex góp vốn thì Việt Tiến sẽ là doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn nhất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bởi vì Việt Tiến là doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành dệt may, một hình ảnh đơn giản là “thuyền to thì sóng lớn”. Ngoài ra, một bất lợi nữa đối với Viettien còn là chi phí lương cho người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với các tỉnh khác.

Dự kiến lãi trước thuế 2023 giảm 9%


Theo VGG , với những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ, đơn hàng giảm đột ngột bắt đầu từ quý 3/2022. VGG dự báo năm 2023 còn nhiều khó khăn khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể.

Bên cạnh đó, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hoá tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải…

Kế hoạch kinh doanh 2023 của VGG. Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance


Do vậy, VGG đặt kế hoạch tổng doanh thu 2023 đạt 8,030 tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 5% và 9% so với thực hiện năm 2022.


Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch HĐQT VGG , quý 1/2023 Công ty ghi nhận doanh thu tăng 22% so cùng kỳ, đạt hơn 1,853 tỷ đồng chủ yếu tăng trưởng ở sản xuất xuất khẩu, còn thị trường nội địa ghi nhận sự tăng trưởng ở mức rất thấp do sức mua yếu ngay cả vào mùa Tết âm lịch.


Về kế hoạch đầu tư năm 2023, VGG dự kiến chi 50 tỷ đồng để đầu tư các khoản về máy móc thiết bị chuyên dụng; duy tu, bảo dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất hạ tầng tại các đơn vị; tiếp tục các dự án đầu tư xây dựng văn phòng tại Hà Nội; và công tác chuyển đổi, quản lý kỹ thuật số.


Giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề giảm nhiều lao động ở Công ty mẹ, Chủ tịch VGG lý giải: “ Xu hướng giảm lao động không chỉ có ở riêng ở doanh nghiệp dệt may mà xảy ra ở hầu hết ở các ngành công nghiệp bao gồm dệt may da giày, điện tử, thủy hải sản. Xu thế nghỉ việc ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra nhiều hơn bởi vì người lao động có rất nhiều cơ hội để chuyển sang các lĩnh vực khác, họ nghỉ việc để về quê hoặc xuất khẩu lao động.

Ông nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2027 -2028, những đơn vị sản xuất sẽ còn giảm lao động nữa. Đây là vấn đề vô cùng thách thức.

Thời gian tới, Công ty sẽ tập trung các dự án trọng điểm ở miền Tây và các tỉnh miền Trung để duy trì lực lượng lao động.


Người đứng đầu VGG cũng cho biết, hiện Công ty chưa có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới, tình hình tài chính vẫn đang ổn định. Khi nào Công ty có những dự án cũng như chiến lược bứt phá lớn sẽ xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn.

Dự kiến chia cổ tức 2023 là 20%

Kết quả kinh doanh qua các năm của VGG


Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022, VGG ghi nhận doanh thu thuần gần 8,465 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 219 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 41% và hơn 19% so với năm 2021. Kết quả này giúp Công ty vượt hơn 30% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận năm.


Với kết quả khởi sắc trên, VGG dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (2,500 đồng/cp), tương ứng hơn 110 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2023, mức chi trả cổ tức dự kiến là 20%.

Khang Di

Chia sẻ Facebook