Chủ tịch VDI Nguyễn Đình Thắng: “Mọi người cứ nói đến blockchain là nói đến tiền ảo, mà tiền ảo là lừa đảo, thì ai cũng ngại”

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 15:43:32

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Blockchain trở thành một vấn đề hot, ai cũng nói, ai cũng bàn luận, tìm hiểu. Song, ở Việt Nam, vì thị trường còn nhiều vướng mắc về pháp lý, và nhận thức của cộng đồng về Blockchain chưa cao, nên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp Blockchain thành công như Axie Infinity.


Với 40 năm làm về công nghệ, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) kiêm Chủ tịch VinaFintech chia sẻ với Trí Thức Trẻ , ông mong muốn Việt Nam có thể đẩy nhanh việc xây dựng hành lang pháp lý để mở đường phát triển cho các doanh nghiệp Blockchain càng sớm càng tốt. Đồng thời, ông hoàn toàn tự tin rằng Việt Nam đủ khả năng làm chủ một nền tảng Blockchain "Make in Vietnam".

Ở độ tuổi của ông, khi tham gia vào lĩnh vực mới như Blockchain là một điều khá hiếm và đầy thử thách. Vậy khi tham gia Liên minh Blockchain (VBU) trên cương vị thành viên ban cố vấn, ông đã chuẩn bị như thế nào để hỗ trợ cho các cá nhân lẫn doanh nghiệp trong ngành?

Đúng là công nghệ mới thường gắn với lớp trẻ. Trong khi đó, những người lớn tuổi thường có nhiều kinh nghiệm nhưng lại là kinh nghiệm cũ, ít có thời gian tiếp cận cái mới. Tuy nhiên, tôi thì khác, tôi vốn xuất thân một dân công nghệ, 40 năm làm về công nghệ và đam mê với công nghệ.


Bản thân tôi từng trải qua khoảng thời gian làm ở ngân hàng, cụ thể là phụ trách mảng công nghệ, sau đó đảm nhận vị trí chủ tịch ngân hàng (PV - Ông Nguyễn Đình Thắng từng giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt Post Bank) . Cho nên, tôi không chỉ có kiến thức trong lĩnh vực tài chính mà còn kiến thức về những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hay còn gọi là Fintech.

Với tất cả những kinh nghiệm và kiến thức có được trong nhiều năm, tôi tham gia Liên minh Blockchain (VBU) với tư cách là cố vấn nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng Blockchain để công ty có thể giảm thiểu chi phí, rút ngắn công đoạn, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, nhà nước có thể mở đường, tạo ra sandbox cho những thử nghiệm mới như Blockchain, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo ông, cái nhìn của dư luận về Blockchain đã thay đổi ra sao?

Trước đây, ở Việt Nam, khi nói đến Blockchain là nói đến Bitcoin. Mọi người cứ e ngại vì cứ nói đến Blockchain là nói đến tiền ảo, mà tiền ảo là lừa đảo. Thật ra Bitcoin chỉ là một trong những sản phẩm của Blockchain.

Chính vì nhận thức của mọi người về Blockchain còn hạn chế, cho nên hành lang pháp lý và dư luận chưa hồ hởi đón nhận những vấn đề về Blockchain như một thông tin tích cực. Điều này đã cản trở mọi người tham gia phát triển Blockchain, thành lập những liên minh Blockchain, trong đó có cơ quan nhà nước. Kết quả, việc thành lập những công ty Blockchain ở Việt Nam sẽ trở nên chậm trễ.

Việc ứng dụng Blockchain hay những tổ chức, liên minh Blockchain được thành lập mới bùng nổ khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tất cả các hoạt động đều online hóa. Cho nên, mọi người có thời gian để tìm ra giải pháp nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khi đó, Blockchain trở thành một vấn đề rất hot, ai cũng nói, ai cũng bàn luận, tìm hiểu và đưa vào thử nghiệm thì thấy rằng đây cũng là một "cứu cánh" cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực.

Ông nói rằng, mọi người nói đến Blockchain là nói đến tiền ảo, mà tiền ảo là lừa đảo. Vậy làm thế nào để mọi người nhận định đúng về Blockchain, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính?

Đối với Blockchain, lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là tài chính, đặc biệt trong việc tạo ra những đồng tiền kỹ thuật số (stablecoin) hay tài sản số (crypto). Chúng ta cần hiểu, tiêu dùng có 2 dạng. Một là tiêu dùng bằng stablecoin, đồng tiền được số hoá thay cho tiền mặt. Hai là tiêu dùng bằng crypto, và giá trị của đồng tiền sẽ do thị trường xác định, ví dụ như đồng Bitcoin.

Theo đó, giá trị của đồng tiền crypto sẽ lên xuống phụ thuộc vào thị trường, và không một quốc gia hay tổ chức phát hành tiền tệ nào sẽ bảo đảm cho sự ổn định của đồng tiền này. Suy cho cùng, đồng tiền này không đảm bảo được quản trị an ninh tiền tệ quốc gia.

Trong khi đó, giá trị của đồng tiền kỹ thuật số được ánh xạ tương đương với tiền mặt mà chúng ta đang để trong ví, khác ở chỗ cách thức phát hành và cách quản lý hai đồng tiền. Chính phủ Việt Nam, NHNN hoặc Bộ Tài chính đều mong muốn thúc đẩy rất nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt để thuận tiện hoá việc  quản lý, thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy giao thương, nhất là trong tình hình Covid-19.

Nhưng chúng ta đã đủ điều kiện để làm việc đó chưa thì cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Các nhóm nghiên cứu về tiền số cần phải làm rõ ràng giữa crypto, stablecoin hoặc token.

Hiện có tình trạng một số người trẻ lập ra những công ty nổi tiếng về Blockchain nhưng lại để trụ sở chính ở nước ngoài thay vì trong nước. Theo ông, Việt Nam sẽ phải thay đổi như thế nào để tránh hiện tượng chảy máu chất xám trong lĩnh vực Blockchain?

Đây cũng là trăn trở của những cá nhân đang làm đầu tư, đang kêu gọi sự thúc đẩy của các ứng dụng mới. Chúng tôi vẫn mong muốn phía Nhà nước càng đẩy nhanh việc xây dựng hành lang pháp lý để mở đường cho Blockchain càng sớm càng tốt. Cụ thể là xây dựng pháp lý cho sandbox, đó là cái có thể ứng dụng được tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với những người xây dựng ứng dụng Blockchain tại Việt Nam, nếu như điều kiện ở trong nước chưa phù hợp để ứng dụng hay kinh doanh thì Nhà nước có thể mở đường bằng cách cho phép các công ty về Blockchain đặt trụ sở tại Việt Nam, nhưng kinh doanh ở những thị trường được cấp phép.

Khi địa điểm kinh doanh và địa lý kinh doanh khác nhau thì Việt Nam cũng có thể sẽ trở thành nơi quy tụ của các công ty khởi nghiệp giống như Singapore, nghĩa là thu hút doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam nhưng lại kinh doanh theo luật pháp quốc tế.

Ví dụ, đối với crypto, đây là một sản phẩm rất thuận tiện trong việc trao đổi, mua bán sử dụng trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều nước chưa cho phép sử dụng crypto, song crypto vẫn được đặt trụ sở và kinh doanh ở những quốc gia cho phép.

Trong số những nhà khởi nghiệp có tiếng ở Việt Nam, có người từng phát biểu là không nên để lỡ cơ hội với Blockchain vì nó giống như "web 3.0" và nếu lỡ chuyến tàu này thì các doanh nghiệp hay startup sẽ tụt lại rất xa ở phía sau trong những năm tới. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

Thật ra mọi sự so sánh chỉ là tương đối. Hệ thống Web 3.0 hay Blockchain được gọi chung là các công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn. Không phải lĩnh vực nào cũng cần ứng dụng Blockchain.

Ví dụ như một quy trình quản lý bình thường không cần dùng đến những ứng dụng xác thực để minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Cho nên, nếu nói rằng chúng ta bỏ qua những ứng dụng Blockchain là chúng ta mất cơ hội, bỏ lỡ chuyến tàu thì chỉ nên áp dụng trong một số những lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Ví dụ như hệ thống ngân hàng, các sàn giao dịch, bất động sản, hay một số lĩnh vực liên quan như xác định nguồn gốc xuất xứ.

Không phải chỉ riêng Blockchain, ở bất kỳ một lĩnh vực nào, nếu chúng ta ứng dụng bất kỳ loại hình công nghệ như IoT, chuyển đổi số mà chúng ta đi sau thì đều sẽ bỏ lỡ tất cả cơ hội.

Mong muốn của những nhà đầu tư giống như ông khi phát triển lĩnh vực Blockchain ở Việt Nam là gì?

Mong muốn của chúng tôi đó là làm chủ công nghệ nền. Giống như việc chúng ta lập trình phải có ngôn ngữ lập trình, chúng ta thiết kế ứng dụng nào đó thì phải có hệ điều hành. Nếu chúng ta dùng Bitcoin, dùng Etherium, nghĩa là ta mới chỉ dùng nền tảng của người khác để làm ứng dụng.

Cho nên, Việt Nam phải có nền tảng Blockchain, chứ không phải ứng dụng Blockchain, từ đó doanh nghiệp dựa trên nền tảng đó để tạo ra ứng dụng Blockchain của riêng mình.

Đó mới là cái chúng tôi mong muốn đầu tư. Chúng ta có thể chứng minh được rằng Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ, cạnh tranh với các nền tảng thế giới. Nếu chúng ta chỉ cạnh tranh về ứng dụng thì ứng dụng này ra đời sẽ ứng dụng khác tốt hơn xuất hiện để thay thế. Trong khi đó, nền tảng sẽ đảm bảo cho sự vững chắc ở khía cạnh đầu tư. Trước đây, Việt Nam đã có những nền tảng như Kardia Chain của FPT, bây giờ chúng tôi cũng chuẩn bị ra mắt thêm nền tảng Unichain.

Thường ở Việt Nam, các yếu tố thuận lợi để một công ty có thể tạo ra được một nền tảng lớn thường không nhiều. Ông thấy thế nào về cơ hội thành công của một nền tảng Blockchain do Việt Nam đầu tư?

Đúng vậy, thật sự là không nhiều. Tuy nhiên, nếu có một sự phối hợp của những nhà đầu tư, những nhóm người Việt, không chỉ ở Việt Nam mà còn là những người Việt ở nước ngoài thì việc xây dựng nền tảng Blockchain "Make in Vietnam" là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ví dụ, nền tảng Unichain của Tập đoàn UniWorld có sự kết hợp giữa người Việt Nam với Nhật Bản, Hungary, Canada… Tức là một nhóm những chuyên gia kết hợp kiến thức, trong đó người Việt sẽ làm chủ công nghệ, nghĩa là làm chủ về phần cứng và phần mềm. Cụ thể, người Việt đứng ra đầu tư là chính và đưa ra những kiến trúc Blockchain, rồi sau đó nhiều nhóm sẽ kết hợp để tạo ra được kiến trúc đó.

Về phần cứng, chúng ta phải làm chủ từ thiết kế bo mạch, thiết kế chip và tạo ra những sản phẩm rồi đăng ký bản quyền quốc tế, còn sản xuất ở đâu cũng được. Ví dụ như Apple của Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc, Samsung của Hàn Quốc nhưng lại sản xuất ở Việt Nam. Dựa trên việc làm chủ bo mạch như vậy, thì Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm như máy tính bảng, điện thoại, thiết bị IoT…

Minh chứng rõ ràng nhất cho sản phẩm "Make in Vietnam", 100% bản quyền của người Việt đó là máy tính bảng Xelex. Đầu tiên, sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc do Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất. Sau đó, nhà máy Trung Nam ở Đà Nẵng đã có dây chuyền sản xuất với công suất khoảng 3 nghìn chiếc/ngày.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta có kiến thức, có sự kết nối tri thức toàn cầu, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, chưa nói đến hành lang pháp lý, và dám làm thì hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ, cả phần cứng lẫn phần mềm.


Cảm ơn ông!

Bài: Quỳnh Anh


Ảnh: Việt Hùng

Thiết kế: Hải An


Chia sẻ Facebook