Chủ tịch VCCI nói về cuộc giải vây cho doanh nghiệp khỏi Covid

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 19:01:13

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và lắng nghe các doanh nghiệp trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19.


Phát biểu tại Toạ đàm “ Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” tổ chức ngày 8/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết khi đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam, mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, Đại sứ quán các nước nơi có doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam liên quan đến các khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Tiếp nhận các ý kiến, VCCI đã đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh thành, có cả Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

“Đây là cuộc giải vây ngoạn mục cho doanh nghiệp trong vòng vây của dịch Covid-19 lúc bấy giờ”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao đổi tại tọa đàm.

Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ zero-Covid sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Thứ hai là đã tổ chức tiêm vaccine trong cả nước rất kịp thời. Thứ ba là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

“Đây là những chính sách rất lớn, giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất. Chúng ta cũng có một giai đoạn ngắn nhưng so với thế giới, Việt Nam chúng ta làm rất tốt, sự đứt gãy là không lớn. Do đó việc phục hồi sẽ rất nhanh và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu”, ông Phạm Tấn Công đánh giá.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, về phía doanh nghiệp, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam rất sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng chống Covid-19. Điển hình là từ quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người và tổ chức 3 tại chỗ, duy trì sản xuất kinh doanh việc làm cho người lao động ổn định xã hội.

Đồng tình với ông Công, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định sự đồng hành là câu chuyện hai chiều. Theo đó, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khốc liệt với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Để vượt qua khó khăn này là sự phối hợp nhịp nhàng của cả Chính phủ và các doanh nghiệp với nhau.

“Thủ tướng Chính phủ đã "tham chiến" trực tiếp, đã vào các ổ dịch để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nối được các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam với thế giới vì nguy hiểm nhất của nền kinh tế là đứt chuỗi. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành đã vào trung tâm dịch lớn nhất và cũng là trung tâm sản xuất lớn nhất để giữ được mạch sản xuất. Rõ ràng đấy là đồng hành thật sự. Đi liền với đó là chính sách. Bám sát được nền kinh tế để đưa ra các quyết sách phù hợp ở thời điểm đó là rất tuyệt vời”, ông Thiên đánh giá.

Về phía doanh nghiệp, trong tình thế khó khăn thì chắc chắn trước tiên là phải tuân thủ chính sách, điều chỉnh chính sách để tuân thủ, giống như tình huống chiến tranh không tuân thủ thì phải kỷ luật. Chúng ta thấy các doanh nghiệp đều nỗ lực tuân thủ chính sách trong tình huống đấy, bảo đảm kỷ luật hành động. Có thể có những điểm chệch choạc không tránh khỏi nhưng về cơ bản các doanh nghiệp đã đảm bảo đội hình hoạt động rất tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hành động để cứu mình trên nền tảng xã hội chung.

TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta thấy rất rõ sự đóng góp của doanh nghiệp cho chống dịch chứ không phải chỉ hành vi kinh tế, phải nói là những hy sinh, đóng góp rất lớn. Đến khi dịch đã bớt đi, chúng ta thấy tinh thần hào hứng của doanh nghiệp trỗi dậy. Cái đấy phù hợp, đồng nhịp với cách làm của Chính phủ là phục hồi và phát triển chứ không phải là phục hồi không. Việc này tạo ra đà, thế mới cho nền kinh tế”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Theo ông Trần Đình Thiên, qua giai đoạn khó khăn, cả Chính phủ và doanh ngiệp đưa ra bài học rất tốt cho sự phát triển. “Bàn về hành động, chúng ta thấy rằng chính việc giữ được cho nền kinh tế Việt Nam: Thế vững, đà tốt và lực không bị yếu đi quá mức và thậm chí còn có thế mạnh lên. Ba thứ đà - thế - lực cho thấy các bài học rất tốt cho chúng ta trong gian đoạn tới”.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đánh giá trước khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã đưa ra những quyết sách rất nhanh, hiệu quả. Bản thân doanh nghiệp cũng luôn tuân thủ các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đưa ra.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank hoạt động trong lĩnh vực mang tính đặc thù, nên có thể nhìn khó khăn của đại dịch Covid-19 dưới hai góc độ. Thứ nhất, các doanh nghiệp giao dịch với Sacombank. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí hoạt động doanh nghiệp tăng cao.

Trong đại dịch Covid-19, nguồn lực lao động cũng bị ảnh hưởng rất lớn, lạm phát, kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền cũng như thanh khoản, cung-cầu của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị vướng một số rào cản về pháp lý trong thời gian giã cách xã hội. Khi Covid-19 bùng phát, người dân cũng chuyển dịch hành vi khi chuyển sang mua sắm trực tuyến… Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, đối với lĩnh vực ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ kép, đó là chống dịch, vận hành doanh nghiệp và đồng hành cùng nền kinh tế. Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đi cùng hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi theo chính sách kêu gọi của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ, đảm bảo hoạt động thanh khoản, duy trì hoạt động trong suốt mùa dịch…


“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng đã được vượt qua. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu giai đoạn đó là phải luôn ổn định thanh khoản, nâng cao năng lực quản trị và điều hành doanh nghiệp để thích ứng nhanh với sự thay đổi. Cùng với đó là phải chăm lo đến đời sống của cán bộ công nhân viên của mình để vận hành hệ thống giao dịch trên toàn quốc, thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với xu thế”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nói .

Chia sẻ Facebook