Chủ tịch Tập: Nga và Trung Quốc nên lãnh đạo “cải cách quản trị toàn cầu”
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất với một phái đoàn cấp cao của Nga đến thăm Trung Quốc rằng Bắc Kinh và Moscow nên “dẫn dắt cải cách quản trị toàn cầu đúng hướng”.
Theo truyền thông nhà nước Nga và Trung Quốc, Chủ tịch Tập đã đưa ra đề xuất trên vào ngày 10/7 khi gặp Chủ tịch Thượng viện/Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko.
Nhà lãnh đạo ĐCSTQ kêu gọi: “Cả hai bên cần phải tăng cường liên lạc và hợp tác trong các cơ chế đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các quốc gia BRICS, dẫn dắt cải cách quản trị toàn cầu đúng hướng, đồng thời bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển.” BRICS là từ viết tắt của khối các nền kinh tế lớn mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Những phát biểu mới nhất của ông Tập có thể củng cố thêm những cảnh báo ngày càng tăng của các chuyên gia và các chính trị gia quốc tế rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc đang muốn định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay. Hồi tháng 3, các nhà phân tích địa chính trị đã cảnh báo rằng ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thúc đẩy tạo ra một trật tự toàn cầu mới do Trung Quốc lãnh đạo sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh với người đồng cấp Nga rằng hai quốc gia láng giềng này “đang thúc đẩy” những thay đổi chưa từng thấy “trong 100 năm”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu ý với Chủ tịch Thượng viện Nga Matviyenko rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow để phát triển “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong việc hỗ trợ lẫn nhau, hội nhập sâu, đổi mới, và hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên mới.”
Đáp lại, Bà Matviyenko nói với Chủ tịch Tập rằng quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung đã đạt đến “mức cao nhất trong lịch sử và tiếp tục phát triển ổn định.”
Điện Kremlin và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2/2021, chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Kể từ đó, chính quyền cộng sản Trung Quốc không công khai lên án cuộc xâm lược của Nga. Đáng chú ý, một số tổ chức Trung Quốc đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì góp phần vào cuộc xâm lược của Moscow.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập, lãnh đạo Hội đồng Liên bang Nga ca ngợi, Nga cũng có thể “trông cậy vào một bờ vai thân thiện vững chắc và đáng tin cậy ở Trung Quốc.”
Bà tiếp tục: “Điều quan trọng nhất mà tôi học được từ tất cả các cuộc gặp gỡ và đối thoại là Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga một cách nhất quán và bền vững, đồng thời gìn giữ tình hữu nghị tồn tại giữa hai quốc gia và dân tộc của chúng tôi.”
Trước đó hồi tháng 2, Văn phòng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng các chương trình và sáng kiến, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu, để “thúc đẩy giải pháp thay thế do Trung Quốc lãnh đạo” đối với trật tự quốc tế hiện nay, vốn ủng hộ “chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị hơn là quyền cá nhân”.
Sự yếu kém trong quyết tâm của Hoa Kỳ
Một trật tự thế giới do Trung Quốc thống trị có thể đồng nghĩa với việc mất chủ quyền của Đài Loan, một đảo quốc dân chủ với quân đội và tiền tệ riêng. Nhiều người coi Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, và bác bỏ “nguyên tắc một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh, vốn luôn tuyên bố chủ quyền đối với đảo quốc dân chủ này.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng Chủ tịch Tập sẽ nối bước Tổng thống Putin bằng cách quyết định xâm lược Đài Loan. Hồi tháng 1, Ngoại Trưởng Đài Loan Joseph Wu đã cảnh báo rằng Trung Quốc “có nhiều khả năng” sẽ thực hiện một động thái quân sự nhằm vào đảo quốc này vào năm 2027.
Vài ngày trước khi gặp phái đoàn Nga, ông Tập đã thị sát Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm cho các hoạt động trong các khu vực bao gồm Eo biển Đài Loan. Trong chuyến đi thị sát, chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi quân đội “tăng cường lập kế hoạch chiến tranh và tác chiến” để tăng cơ hội chiến thắng trong chiến đấu thực tế.
Hôm 10/7, phản ứng trước lời kêu gọi tăng cường quân sự của nhà lãnh đạo Trung Quốc, Dân biểu Đảng Cộng hòa Greg Murphy, thành viên Ủy ban Cách thức và Phương tiện Hạ viện Mỹ cảnh báo rằng “Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh”.
Trong một bài đăng trên Twitter, Dân biểu Murphy cảnh báo: “Chúng ta đã nhìn thấy trong cuộc chiến Ukraine, Nga chỉ là một con hổ giấy. [Tuy nhiên] điều đó hoàn toàn không đúng đối với trường hợp của Trung Quốc. Từ việc xây dựng các đảo mới ở Nam Thái Bình Dương cho đến việc điều các khinh khí cầu do thám bay qua nước Mỹ, không còn nghi ngờ gì nữa Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.”
Vị hạ nghị sĩ Đảng cộng hòa này tiếp tục: “Họ [Trung Quốc] coi quốc gia Đài Loan độc lập là của họ và tuyên bố rằng họ sẵn sàng chiếm lấy đảo quốc này bằng vũ lực nếu cần. Một số người đã lập luận một cách ngây thơ về cách tiếp cận ‘củ cà rốt’ đối với Trung Quốc, thậm chí ngoại trưởng Blinken của chính quyền Biden gần đây đã bác bỏ nền độc lập của Đài Loan.”
“Đừng có sai lầm: Trung Quốc cảm nhận được sự yếu kém trong quyết tâm của Hoa Kỳ và sẽ tận dụng triệt để điều đó.”
Ngoại trưởng Blinken đã đến thăm Trung Quốc vào tháng trước và đã hội đàm với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, bao gồm Chủ tịch Tập. Trước khi rời Trung Quốc trở về Mỹ, Ngoại trưởng Blinken khẳng định với các phóng viên rằng “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập.”
Ngoại trưởng Blinken tiếp tục: “Điều rất quan trọng là chúng ta giữ nguyên hiện trạng đã giúp duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển này trong nhiều thập kỷ.”
Phản ứng trước phát biểu của Ngoại trưởng Blinken về Đài Loan, người sáng lập Dự án Socrates, ông Michael Sekora, lưu ý đài NTD rằng chính quyền Biden “đã từ bỏ quan điểm mạnh mẽ trong việc bảo vệ Đài Loan.”
ĐCSTQ tiếp tục chiến dịch đe dọa Đài Loan trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, bằng cách điều các máy bay chiến đấu và tàu chiến đến các khu vực gần đảo quốc này mỗi ngày trong thời gian từ ngày 6/7 đến ngày 9/7.
Hôm 11/7, Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo rằng 34 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay qua đường trung tuyến hoặc bay qua vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc này.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Nga và Trung Quốc tổ chức đàm phán về phòng thủ chống tên lửa
Bộ Ngoại giao Nga thông báo, hôm thứ Ba (27/6) ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã tổ chức một vòng tham vấn về phòng thủ chống tên lửa.