Chủ tịch Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng như thế nào?
Sau khi chiếm được lòng tin của các nạn nhân, Phùng Thị Nghệ kêu gọi góp tiền để lập "ngân hàng ngoại hối Việt Nam", nhưng thực chất là lừa đảo.
Theo cơ quan công an, đơn vị đang điều tra vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP.HCM theo đơn tố giác của bà Trương Bạch Tuyết, bà Nguyễn Nhật Linh cùng một số cá nhân khác tố cáo Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt của họ hơn 650 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ , bà Trương Bạch Tuyết quen biết vợ chồng Phùng Thị Nghệ qua một người bạn chơi thân và cũng là hàng xóm hơn 20 năm nay. Ban đầu người bạn này giới thiệu đang làm ăn với vợ chồng bà Nghệ mảng xăng dầu và thu đổi ngoại tệ, cần 50 tỷ đồng ôm lô hàng xăng giá rẻ và rủ bà Tuyết góp tiền. Tin tưởng bạn bè nên bà Tuyết đồng ý góp vốn.
Sau đó, bà Nghệ hai lần đề xuất và bà Tuyết đồng ý góp thêm 40 tỷ đồng và 16 tỷ đồng mua lô hàng xăng dầu thứ hai. Để tạo tin tưởng, bà Nghệ chuyển một phần lợi nhuận của các lô hàng cho bà Tuyết, với tổng số tiền 23,7 tỷ đồng.
Báo Thanh Niên cho biết, khi mối quan hệ trở nên thân thiết, bà Nghệ đưa kế hoạch mở ngân hàng ngoại hối và kêu gọi bà Tuyết tham gia góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược, với cổ phần khoảng 10%, tức khoảng 260 tỷ đồng. Bà Tuyết tiếp tục huy động, vay mượn bạn bè, người thân và nhiều lần chuyển tiền cho bà Nghệ để thành lập "ngân hàng ngoại hối Việt Nam".
Bà Nghệ tạo thêm niềm tin bằng cách lập nhóm chat trên Viber và liên tục nhắn tin cập nhật việc lập ngân hàng. Bà Nghệ còn mời gia đình bà Tuyết khai hồ sơ để đứng tên làm chủ tịch hội đồng quản trị và gửi con của bà Tuyết sang "học việc" ở một ngân hàng lớn tại TP.HCM.
Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn không thành về việc xin giấy phép thành lập ngân hàng, bà Tuyết đã bắt đầu nghi ngờ và yêu cầu trả lại tiền. Thế nhưng vợ chồng bà Nghệ liên tục thất hứa. Bà Tuyết đã tìm hiểu và biết việc vợ chồng bà Nghệ vẽ ra ngân hàng chỉ là “ảo” nhằm mục đích để lừa đảo. Đòi tiền không được và cũng không liên hệ được, bà Tuyết đã tố cáo vợ chồng bà Nghệ ra công an TP.HCM tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an TPHCM cho biết, năm 2021, đơn vị này nhận được nhiều đơn thư tố giác Phùng Thị Nghệ và chồng của nhiều người khác.
Vì vậy, đến ngày 30/7/2021, Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" để điều tra. Viện kiểm sát nhân dân TPHCM sau đó gia hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ nhất, thời hạn 4 tháng kể từ ngày 30/11/2021 đến ngày 30/3/2022 đối với vụ án này.
Ngày 6/4/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Việt Hưng Phát) về hành vi 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định, lệnh của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị những cá nhân, tổ chức bị Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt tài sản thì trình báo và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra, xử lý.
PV (Tổng hợp)
Theo Pháp luật và bạn đọc