Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng có thể đối diện án chung thân
Theo luật sư, với số tiền thu được từ việc lừa đảo lên đến 10.300 tỷ, ông Đỗ Anh Dũng và đồng phạm sẽ phải chịu mức án rất nặng, nhiều khả năng là tù chung thân.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh , ông Đỗ Anh Dũng, ngày 5/4 bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, Cơ quan CSĐT cũng bắt tạm giam với 6 đồng phạm khác.
Nhà chức trách cáo buộc, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Cảnh sát khám xét trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh tối 5/4. Ảnh: Hoàng Hải
Hành vi của ông Dũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Theo dõi vụ việc, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, việc cấu kết giữa ông Đỗ Anh Dũng và đồng phạm để lừa đảo các nhà đầu tư là trường hợp vi phạm quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu.
Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định rất rõ về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Ví dụ: thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Luật sư Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch.
Khi doanh nghiệp huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu lại không sử dụng đúng mục đích thì rõ ràng không đảm bảo được hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời, có thể gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
"Trong trường hợp này, hành vi huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu rồi sử dụng số tiền huy động được trái mục đích hoàn toàn có thể bị coi là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ba công ty con của Tân Hoàng Minh đã đưa ra những thông tin không có thật ngay từ ban đầu để nhà đầu tư tin tưởng giao tiền rồi sau đó chiếm đoạt, sử dụng số tiền đã nhận được của nhà đầu tư vào mục đích khác với mục đích ban đầu.
Khi cơ quan điều tra xác minh, làm rõ, mở rộng điều tra thì có thể nhiều cá nhân khác trong mắt xích sẽ bị khởi tố về hành vi đồng phạm của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này", luật sư Tuấn Anh phân tích.
Ông Dũng và đồng phạm nhiều khả năng phải đối diện án chung thân
Nhận định về vụ việc trên, luật sư Phan Kế Hiền, Công ty Luật Bảo Tín cho rằng việc cấu kết giữa ông Dũng và đồng phạm để lừa đảo các nhà đầu tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu tư trong và ngoài nước.
Với số tiền 10.300 tỷ đồng huy động được từ việc phát hành 9 đợt trái phiếu nhưng lại sử dụng trái mục đích, không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. ông Dũng và đồng phạm sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Phan Kế Hiền, Công ty Luật Bảo Tín.
Với tội phạm này, chỉ cần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi đã phải chịu khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, với số tiền chiếm đoạt là 10.300 tỷ đồng, ông Dũng và những người liên quan có khả năng phải chịu mức án cao nhất khung hình phạt là tù chung thân.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, đồng thời, xem xét đến trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia thực hiện hành vi đến đâu, ai là chủ mưu, ai là đồng phạm để có thể đưa ra mức hình phạt phù hợp.
"Với sự việc này, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, nghiêm minh để lấy lại quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư cũng như niềm tin vào một thị trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư", luật sư Hiền nói.
Nếu hủy bỏ đợt bán trái phiếu, Tân Hoàng Minh phải làm gì?
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, nếu hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu thì tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
Khoản 3, điều 28, Luật Chứng khoán quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành. Đồng thời, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ.
Đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán: Tân Hoàng Minh phải hoàn trả số tiền cho các nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán: Tân Hoàng Minh phải khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với đoanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại nhà đầu tư theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo Phương Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị