Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Cuộc sống không có bảo hiểm thì không khác gì đi cầu thang không có tay vịn”. Cho nên Luật Kinh doanh bảo hiểm phải hài hòa lợi ích của người tham gia bảo hiểm và các công ty bảo hiểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn
Sáng 22/3, tại Phiên họp thứ 9 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm
Thẩm tra một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Ủy ban Kinh tế cho biết: Có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật để bảo đảm logic, hợp lý hơn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: Hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
"Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm… Đồng thời sẽ trình xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, sau đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022)", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (Điều 99), có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Điều 99 của dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phá sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, theo đó sau khi Bộ Tài chính chấm dứt kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ không còn khả năng phục hồi (khi tình trạng tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn thì phải áp dụng biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm và biện pháp kiểm soát nhằm khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Việc phá sản doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi kết thúc thời hạn kiểm soát mà doanh nghiệp vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán) nên sau khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh” (khoản 2 Điều 99 của dự thảo Luật).
Tuy nhiên, quy định này chỉ mới quy định về việc “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản” mà chưa quy định rõ về thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố phá sản”.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi trong quá trình triển khai thực tiễn, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Cơ quan soạn thảo thống nhất bổ sung quy định về thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị tuyên bố phá sản và chỉnh sửa khoản 2 Điều 99 theo hướng: “Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”.
Bảo hiểm vi mô quan tâm tới đối tượng có thu nhập thấp
Về bảo hiểm vi mô (Chương IV), nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: Bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Có nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm?
Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Điều 111), một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết: Tại Báo cáo số 340/BC-CP ngày 24/9/2021 về tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó có giải trình về việc dừng trích Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Chính phủ cho rằng trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản.
Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12) đã có quy định đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ thể hiện tại Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 26/8/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.
Phát biểu tại Phiên thảo luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật này tương đối đầy đủ theo ý kiến góp ý của ĐBQH. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này cần làm rõ chỉnh sửa điểm nào, điều nào, cần so sánh với dự thảo Luật do Chính phủ đã trình; đến kỳ họp này đã trình, quy mô sửa chữa bao nhiêu lần so với trước.
“Để tránh sa vào kỹ thuật thì dự án Luật theo đánh giá của cơ quan thẩm tra (giai đoạn 2 này) đã đảm bảo được yêu cầu của Quốc hội hay chưa”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Tiếp thu ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Liên quan đến bảo hiểm vi mô, Bộ Tài chính thống nhất giao cho Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô để hoàn thiện dự thảo Luật này gắn liền với an sinh xã hội cho người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Về loại hình kinh doanh bảo hiểm, thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện nay Luật đang xây dựng theo luật cũ. Riêng loại hình bảo hiểm nhân thọ có khoảng 600 sản phẩm bảo hiểm; bảo hiểm phi nhân thọ thì có khoảng 2.600 dịch vụ bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe có khoảng 200 sản phẩm bảo hiểm nên Bộ tài chính cũng sẽ tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH để chỉnh sửa Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này.
Báo Tin tức