Chủ tịch Quốc hội: Tiết kiệm tài chính không đơn thuần cắt xén chi tiêu

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 01:04:20

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính cần phải nhận thức đúng tiết kiệm về tài chính không đơn thuần như cái kéo để cắt xén chi tiêu mà phải đúng như tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


Chuẩn bị cho công tác giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tiếp tục cuộc làm việc với một số bộ ngành, sáng (23/8), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội với Bộ Tài chính


Xử lý 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, từ năm 2016 đến năm 2021, các đơn vị của Bộ Tài chính đã tiết kiệm được hơn 6.000 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Thực hiện đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021, trong đó, cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, cắt giảm tạm dừng các dự án, hạng mục công trình chưa cần thiết… Tính đến năm 2021, Bộ Tài chính đã tinh giản biên chế đạt 106% kế hoạch, giảm 36 đơn vị xuống còn 28 đơn vị.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính đã tính giảm chi ngân sách nhà nước khoảng hơn 22.300 tỷ đồng.

Năm 2021, tiếp tục giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 3.260 tỷ đồng gắn với tinh giản biên chế và sắp sếp lại tổ chức bộ máy. Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cắt giảm 70% công tác phí là hơn 1.000 tỷ đồng, tiết kiệm chi thường xuyên là hơn 6.440 tỷ đồng.

Cũng trong năm ngoái, tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài là gần 900 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.

Công tác quản lý đầu tư công, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã giảm giá trị đề nghị quyết toán hơn 27.000 tỷ đồng; chuyển dịch hơn 230.000 ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp; xử lý, thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai.

Nên hình thành phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo và kết quả của đoàn giám sát đối với Bộ Tài chính - một trong những bộ vừa phải thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát của Quốc hội nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ đổi mới ban hành chương trình hàng động hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, lĩnh vực nổi lên và đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ ràng. Khi ban hành xong cũng cần tổ chức triển khai, thu thập tài liệu, đánh giá và tổng kết.

Bộ Tài chính cần cải tiến báo cáo, không rập khuôn, không nặng về trình bày mà phải vừa đảm bảo tính toàn diện nhưng lại có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề cụ thể.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng sau giám sát tối cao của Quốc hội lần này có đề xuất cuộc vận động hay phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng, khu vực công và tư, về nguồn nhân lực, vật lực và tài lực.

"Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như nhận định trong văn kiện Đại hội Đảng đã đề cập, thực trạng lãng phí này ngày càng tinh vi, phức tạp và còn nghiêm trọng. Số tiền thất thoát, lãng phí không kém gì những vụ án tham nhũng lớn, thậm chí xét bình diện cả nước còn lớn hơn" - Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Đối với Bộ Tài chính cần nhận thức tiết kiệm về tài chính không đơn thuần như cái kéo để cắt xén chi tiêu mà phải đúng như tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện cùng một công việc được giao với chi phí ít hơn; cùng một nguồn lực như nhau nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “1 tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng 1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “1 tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng 1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi”.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải mỗi năm tiết kiệm bao nhiêu tiền, mà quan trọng là rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, kiến tạo chính sách phát triển để tạo ra giá trị gia tăng. Nếu gỡ được những khó khăn này sẽ tạo xung lực rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ sản phẩm công ích.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đề xuất với Chính phủ rà soát thu chi thường xuyên; nên phân cấp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương, gắn với đó là cơ chế khoán chi; xem lại các chi tiêu về định mức công, chi tiêu công, khoán xe công dựa trên tình hình thực tế ở địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; xem xét lại phát hành trái phiếu chính phủ.

Về quản lý thuế, Chính phủ rà soát lại việc miễn, giảm thuế xử lí bằng công văn nhất là các doanh nghiệp FDI, thay vào đó là nghị quyết, quyết định để vừa đảm bảo cho nhà đầu tư và mặt bằng kinh doanh chung; đề nghị Chính phủ xử lí tồn đọng của các dự án BT, BOT; về quản lý nợ công, cần rà lại những nghị định xem đã áp dụng theo đúng luật hay chưa.

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giám sát.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương


Đoàn giám sát yêu cầu Bộ Tài chính gửi bổ sung thêm số liệu theo yêu cầu; phân tích tách rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung chủ yếu vào nguyên nhân chủ quan cả ở những việc làm tốt và chưa tốt trong thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo bổ sung những địa chỉ làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhân rộng.

Bộ cũng cần đề xuất cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền để tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát./.

Chia sẻ Facebook