Chủ tịch PVTrans Phạm Việt Anh: Nguồn cung tàu đang trong giai đoạn thiếu hụt

Chia sẻ Facebook
11/04/2023 16:05:09

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) cho biết trong 3 năm tới, giá cước vận chuyển có thể sẽ giảm nhưng không đáng kể. Điều đáng nói là nguồn cung tàu đang trong giai đoạn thiếu hụt.

Chủ tịch PVTrans Phạm Việt Anh: Nguồn cung tàu đang trong giai đoạn thiếu hụt

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) cho biết trong 3 năm tới, giá cước vận chuyển có thể sẽ giảm nhưng không đáng kể. Điều đáng nói là nguồn cung tàu đang trong giai đoạn thiếu hụt.

Được hỏi về giá cước vận chuyển trong thời gian tới, ông Việt Anh cho biết PVT đã xem nhiều báo cáo về định hạn, ví dụ hợp đồng 3 năm thì sẽ biết 3 năm tới có thể diễn biến như thế nào. Nhìn chung, 3 năm tới giá cước sẽ giảm một chút, nhưng giảm không đáng kể.

Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh (giữa) tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PVT

Điều đáng nói là hiện nay cung tàu đang cực kỳ khó, đặc biệt là tàu hóa chất. Về cơ bản, tàu hóa chất dùng stainless steel (thép không gỉ) có hệ thống dùng titan – mặt hàng kim loại mà Nga đang cung cấp nhiều. Khi chuỗi cung ứng căng thẳng (vì xung đột vũ trang), sẽ không có sắt thép để đóng tàu. Một loạt các tàu còn bị đưa vào thị trường ngách, dẫn đến cung tàu bên ngoài không có, từ đó làm giá cước tăng lên.

Nguồn đóng tàu cũng không có. Trung Quốc hiện đang ưu tiên đóng tàu chở khí, vì châu Âu trước kia nhập khí bằng đường ống thì nay đang chuyển sang nhập đường biển (ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine). Cung tàu chở khí tăng lên, dẫn đến chuyển dịch sự tập trung trong đóng tàu.

Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến giá cước vẫn là khủng hoảng kinh tế, theo ông Việt Anh. Nếu như kinh tế Trung Quốc không phục hồi được, khủng hoảng tài chính tại Mỹ không thể kiểm soát, tất cả sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển.

Cung tàu nếu tăng mạnh có phải là rủi ro?

Trước nhận định này, ông Việt Anh chia sẻ vấn đề cung tàu thực ra rất minh bạch, các hợp đồng đóng tàu đều được báo cáo hết nên có thể dự báo được. Doanh nghiệp sẽ phải dựa vào các báo cáo phân tích đánh giá đó để đưa ra bức tranh tổng quan.


“Doanh nghiệp là thế, trước khi đặt bút đầu tư đều phải cân nhắc. Về cơ bản, thế giới hiện nay rất minh bạch về cung tàu, sắp tới có bao nhiều tàu đều có báo cáo và đều dự báo được” – trích lời Chủ tịch PVT.

Ông cũng cho biết, việc giá sắt thép tăng cũng có tác động đến PVT. Trước kia năm 2017, một tấn sắt vụn khoảng 350 USD/tấn, thì nay là hơn 600 USD. Như vậy, xác tàu sau khi khai thác rồi bán đi cũng vẫn có lãi. Như một tàu dầu thô khoảng 17,000-18,000 tấn, bán sắt vụn xong có thể thu về khoảng 10 triệu USD, tiền đó vẫn có thể đưa vào lãi.

Triển vọng tàu hóa chất

PVT thời gian gần đây đầu tư nhiều vào các tàu hóa chất. Về câu chuyện này, Chủ tịch Việt Anh nhận định hóa chất là ngành ổn định, trên bối cảnh Việt Nam có nhà máy lọc dầu chứ chưa phải hóa dầu, mà hóa chất là nguyên liệu đầu vào của mọi nền kinh tế.


“Thị phần mảng này ổn. Biên lợi nhuận cũng tốt và ổn định, không bị xáo trộn. Như LPG hiện lợi nhuận chỉ đóng góp 13%, trong khi hóa chất là trên 20% dù trước đây chỉ đóng vai trò nhỏ” , Chủ tịch PVT nói thêm.


“Trước đây đầu tư tàu hóa chất, chi phí 11-12 ngàn USD/ngày, nhưng khai thác là 13-14 ngàn USD/ngày, đó là con số “giỏi” vì những dự án đầu tư tàu kéo dài từ 7-10 năm, những năm đầu tiên thường phải lỗ (dù là lỗ kế hoạch) do khấu hao nhiều, lãi vay lớn. Thời điểm vàng của các dự án đầu tư thường là 4-5 năm sau khi lãi vay đã giảm, còn tàu PVTrans lại có lãi, dù những năm đầu là nhỏ. Hiện tại, các tàu đang được khai thác ở mức 20 ngàn USD/ngày” .

Hồng Đức

Chia sẻ Facebook