Chủ tịch Powell: Lạm phát đang quá cao, Fed có thể nâng 50 điểm cơ bản

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 18:28:07

Ngày 21/03, Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết đưa ra động thái cứng rắn về lạm phát - yếu tố mà ông cho là sẽ hủy hoại đà hồi phục mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Chủ tịch Powell: Lạm phát đang quá cao, Fed có thể nâng 50 điểm cơ bản

“Thị trường lao động đang rất mạnh và lạm phát đang quá cao”, nhà lãnh đạo Fed cho biết trong bài phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia (NABE).


Nhận định trên được đưa ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua với mục tiêu chống lại lạm phát. Trong tháng 2/2022, CPI của Mỹ tăng 7.9%, cao nhất trong 40 năm.

Chủ tịch Jerome Powell

Nhấn mạnh lại quan điểm Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) trong tuyên bố sau cuộc họp ngày 16/03, ông Powell cho rằng các đợt nâng lãi suất sẽ tiếp diễn cho tới khi lạm phát được kiểm soát. Ông nói mức tăng có thể mạnh hơn 25 điểm cơ bản nếu cần thiết.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả”, ông nói. “Cụ thể, nếu chúng tôi thấy rằng cần phải hành động quyết liệt hơn bằng cách nâng nhiều hơn mức 25 điểm cơ bản tại 1 hoặc nhiều cuộc họp, chúng tôi sẽ làm thế. Và nếu chúng tôi quả quyết rằng cần phải thắt chặt vượt mức trung lập (neutral) và chuyển sang lập trường theo hướng hạn chế, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”.

Tại cuộc họp gần nhất, các quan chức Fed dự báo nâng lãi suất 25 điểm cơ bản tại 6 cuộc họp còn lại trong năm. Tuy nhiên, thị trường đang dự báo có xác suất 50% Fed sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5/2022.

Chứng khoán Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong phiên ngày 21/03 sau các nhận định của ông Powell.

Đánh giá quá thấp lạm phát


Việc Fed đột ngột thắt chặt mạnh hơn diễn ra khi CPI Mỹ tăng 7.9% so với cùng kỳ. Thước đo lạm phát yêu thích của Fed cũng tăng 5.2%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Cũng như trước đây, ông Powell cho rằng áp lực lạm phát đến từ các yếu tố liên quan tới đại dịch Covid-19, nhất là việc nhu cầu hàng hóa bùng nổ vượt nguồn cung. Ông thừa nhận rằng các quan chức Fed và nhiều chuyên gia kinh tế đã “đánh giá thấp” về việc các áp lực này sẽ kéo dài đến đâu.


Kể từ khi đại dịch ập tới, Fed và Quốc hội Mỹ đã tung ra hơn 10,000 tỷ USD gói kích thích tài khóa lẫn tiền tệ. Ông Powell vẫn tin rằng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu của Fed, nhưng đây là lúc các chính sách nới lỏng phải kết thúc.

“Dường như, sự hồi phục về phía nguồn cung đáng hy vọng sẽ diễn ra dần dần khi thế giới thiết lập bình thường mới. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ thì vẫn chưa quá rõ ràng”, ông Powell cho biết. “Trong khi đó, khi thiết lập chính sách, chúng tôi sẽ nhìn vào những tiến triển thực tế về các vấn đề này và không giả định sẽ có sự cải thiện đáng kể về nguồn cung trong ngắn hạn”.

Ông Powell cũng cho rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ càng gây thêm áp lực của chuỗi cung ứng và lạm phát. Trong bối cảnh bình thường, Fed nhìn chung sẽ lướt qua các sự kiện này và không điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn, ông cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ buộc phải cân nhắc tình hình.

“Trong bối cảnh bình thường, khi việc làm và lạm phát ở gần mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách sẽ lướt qua các đợt tăng lạm phát ngắn hạn xuất phát từ cú sốc giá hàng hóa”, ông nói. “Tuy nhiên, rủi ro ở đây là giai đoạn lạm phát cao kéo dài có thể đẩy kỳ vọng lạm phát dài hạn lên mức cao hơn. Theo đó, Ủy ban sẽ cần phải hành động nhanh hơn”.


Trong tuần trước, ông Powell cũng tiết lộ Fed đang chuẩn bị cắt giảm quy mô trên bảng cân đối kế toán, vốn đang ở mức hơn 9,000 tỷ USD .

Vũ Hạo (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook